Chưa kịp hoan hỉ, Trung Quốc bị Philippines cho ăn "quả đắng"

09:52, 08/09/2016
|

(VnMedia) - Chưa kịp vui mừng vì lập trường có phần mềm mỏng của Philippines trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã nhanh chóng nhận một “đòn giáng” bất ngờ từ chính nước láng giềng Đông Nam Á này ngay giữa một hội nghị thượng đỉnh của khu vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung Quốc hôm qua (7/9) đã phải đối mặt với sức ép rất lớn tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN sau khi bị Philippines tung bằng chứng “vạch trần” hành động bồi đắp, xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Cụ thể, Manila đã cung cấp những bức ảnh chứng minh đang có hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough - một trong những điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Điều đáng nói là Bắc Kinh vẫn khăng khăng khẳng định họ chưa tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough.

Bước đi trên của Manila khiến Bắc Kinh ngỡ ngàng bởi trước đó cường quốc Châu Á này vẫn còn đang “hả hê” khi Philippines tuyên bố không đưa phán quyết Biển Đông của tòa án quốc tế ra hội nghị thượng đỉnh G-20.

Trung Quốc gần đây đang không giấu nổi sự vui mừng khi chính quyền mới ở Philippines thể hiện mong muốn đàm phán song phương trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, sau những phát biểu có phần dịu nhẹ về vấn đề Biển Đông, Philippines vẫn có những hành động quyết liệt đầy bất ngờ.

Việc xây dựng bất kỳ một đảo nhân tạo nào ở bãi cạn Scarborough đều có thể là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc chơi trong tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc và nó sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu vũ trang với Mỹ, một số nhà phân tích an ninh cho hay.

Nếu Trung Quốc tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough thì điều đó đồng nghĩa với việc nước này có thể dựng lên một tiền đồn quân sự cách đảo chính của Philippines chỉ có 230km và đây là nơi lực lượng quân sự Mỹ đang đóng quân.

Ngày hôm qua, Bộ Quốc phòng Philippines đã công bố những hình ảnh mà nước này cho rằng chúng thể hiện các tàu Trung Quốc ở trong khu vực có thể đang nạo vét cát và tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng một đảo nhân tạo.

Một quan chức chính quyền Mỹ hoài nghi về cáo buộc của Manila, nói rằng Mỹ chưa phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào tại bãi cạn Scarborough. "Sự hiện diện của Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc ở gần bãi cạn Scarborough vẫn đang nằm trong mức độ mà chúng tôi quan sát được trong những tháng vừa qua", vị quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.

Những bức ảnh “tố tội” Trung Quốc được Philippines tung ra trong hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Lào. Hiệp hội này đã nhanh chóng bày tỏ sự quan ngại.

"Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc trước những diễn biến đang diễn ra gần đây và đặc biệt chú ý đến mối quan ngại được một số lãnh đạo bày tỏ về vấn đề bồi đắp, xây dựng”, tuyên bố của ASEAN sau hội nghị thượng đỉnh 2 ngày đã viết như vậy.

Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.

Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Trung Quốc đã triển khai hàng loạt tàu tuần tra ở bãi cạn Scarborough, xua đuổi không cho các ngư dân của Philippines đến đánh bắt cá như thường lệ.

Những hành động trên của Trung Quốc ở bãi cạn Scaroborough chính là nguồn cơn khiến Manila buộc phải kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague mới đây đã ra phán quyết thẳng thừng bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn phi lý mà Trung Quốc dựa vào đó để đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Phán quyết của tòa án cũng khẳng định quyền kiểm soát của Manila với bãi cạn Scarborough.

Tổng thống mới của Philippines Duterte vốn giữ một lập trường khá mềm mỏng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông với mục đích nhằm khởi động tiến trình đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, có lẽ do không chấp nhận được những hành động của Trung Quốc nên chính quyền của ông Duterte buộc phải “ra tay”.

Trước đó, hôm 4/9, Manila đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về động thái mà họ xem như là một bước đi của Trung Quốc nhằm bắt đầu tiến trình xâm chiếm bãi cạn Scarborough trong khi thế giới đang bị xao lãng vì hội nghị thượng đỉnh G-20. Máy bay của Philippines phát hiện Trung Quốc đã tăng một số lượng lớn tàu quân sự đến áp sát bãi cạn Scarborough.

Số lượng tàu lần này lớn hơn rất nhiều so với con số mà Bắc Kinh duy trì gần đây kể từ khi họ chiếm bãi cạn Scarborough sau vụ đụng độ năm 2012, Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay.

Tổng thống Duterte gần đây tung ra cảnh báo sắc lạnh rằng, Philippines đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột đẫm máu với Trung Quốc nếu nước láng giềng tiếp tục nhăm nhe ý định xâm chiếm bãi cạn Scarborough.

Những diễn biến trên cho thấy, tình hình tranh chấp Biển Đông tiếp tục nóng bỏng và chứa đựng rất nhiều nguy cơ bùng phát xung đột.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc