(VnMedia) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 7/6 đã thực hiện chuyến thăm chính thức đến Mỹ và một trong những điểm đặc biệt trong chuyến đi lần này là ông Modi sẽ vinh dự được phát biểu trước cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Năm ngoái, chỉ có 2 bài phát biểu chung trước Quốc hội của Đức Giáo Hoàng Francis và của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ |
Với vinh dự hiếm hoi mà ít nhà lãnh đạo nước ngoài nào có được, Thủ tướng Modi rõ ràng đã được tiếp đón như một vị khách quý, khác hẳn với vị thế trước đây khi ông bị Mỹ kiên quyết chối từ không cho vào nước này. Bước ngoặt thay đổi trên phản ánh mối quan hệ ngày một phát triển sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ.
Ấn Độ - con bài chủ lực trong chính sách xoay trục của Mỹ
Trước khi được bầu là Thủ tướng của Ấn Độ, ông Modi từng bị cấm vào Mỹ vì bị đối mặt với một cáo buộc nghiêm trọng về nhân quyền, liên quan đến cuộc thảm sát hơn 1.000 người Hồi giáo ở bang Gujarat năm 2002. Nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi ông này đắc cử chức Thủ tướng Ấn Độ. Từ chính khách bị ghẻ lạnh, Thủ tướng Modi bỗng chốc trở thành nhân vật quan trọng, một vị khách quý mà Mỹ luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào. Điều này chỉ có thể được hiểu là chính quyền của Tổng thống Barack Obama rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Ấn Độ. Trên thực tế, Ấn Độ đang nổi lên là một đối tác hấp dẫn mà rất nhiều cường quốc muốn lôi kéo, ve vãn.
Sự hấp dẫn của Ấn Độ xuất phát từ bối cảnh thế giới nói chung và khu vực Châu Á nói riêng đang có những sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng cả trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Về chính trị-ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Obama đang theo đuổi chính sách “xoay trục về Châu Á”. Ấn Độ đã trở thành một lá bài chủ lực trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ. Là một nước lớn hàng đầu Châu Á cũng như thế giới với tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn đồng thời sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ, Ấn Độ có đủ khả năng làm thay đổi cục diện một cuộc đua nếu họ ngả về bất kỳ bên nào.
Không chỉ đem đến lợi ích về chính trị ngoại giao, Ấn Độ còn đem đến lợi ích kinh tế rất lớn cho bất kỳ cường quốc nào ve vãn được họ.
Chính vì tầm quan trọng của Ấn Độ, Tổng thống Obama đã nhanh chóng gạt bỏ sang một bên vấn đề nhân quyền và mời Thủ tướng Modi đến Nhà Trắng ngay sau khi có cuộc gọi cho ông này để chúc mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014 .
Tổng thống Obama rõ ràng đã thành công trong mục tiêu “chinh phục” Ấn Độ bởi quan hệ Mỹ-Ấn trong hai năm qua đã phát triển không ngừng.
Chuyến thăm lần này của ông Modi đến Washington là nhằm để củng cố thềm nền móng vững chắc cho mối quan hệ Mỹ-Ấn đồng thời bảo vệ di sản đối ngoại của chính cá nhân hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Ấn Độ
Hai nhà lãnh đạo Obama và Modi đã bàn về các vấn đề kinh tế, thương mại, hạt nhân, năng lượng sạch, môi trường, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác được cho là phát triển mạnh mẽ nhất và có tiềm năng tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa là quân sự, quốc phòng. Sở dĩ Mỹ và Ấn Độ coi trọng phát triển mối quan hệ quân sự đến như vậy là do hai nước này bị thúc đẩy bởi sự nổi lên đáng lo ngại của Trung Quốc.
Bảo vệ di sản
Một trong những mục đích chính trong chuyến thăm của ông Modi đến Mỹ lần này là bảo vệ di sản mối quan hệ Mỹ-Ấn mà hai nhà lãnh đạo đã xây dựng được. Mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi trong di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama sau hai nhiệm kỳ cầm quyền. Cự quan chức Ngoại giao Mỹ Ashley Tellis hiện đang làm việc cho Carnegie Endowment đã nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Modi “là đỉnh cao của những gì Tổng thống Obama đã nỗ lực làm kể từ khi ông nhậm chức".
Ông Modi sẽ tìm cách bảo đảm rằng mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn được xây dựng trên một nền tảng vững chắc để chuẩn bị cho thời nước Mỹ hậu Obama. Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Nhà lãnh đạo Ấn Độ trước phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ hội để ông Modi tăng cường sự kết nối với giới nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc