(VnMedia) - Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu tiến hành đàm phán về địa điểm bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc để ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa ngày càng phát triển từ Triều Tiên.
Theo đó, các căn cứ tại thành phố Daegu thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang và thành phố Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi đang được 2 bên cân nhắc để triển khai hệ thống THAAD.
Ngoài ra, một số địa điểm ở vùng ngoại ô thủ đô Seoul cũng có thể được xem xét để bố trí hệ thống này.
Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán trong suốt nhiều tháng qua về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng tiến hành thử một quả bom nhiệt hạch hôm 6/1 và phóng tên lửa đạn đạo lên quỹ đạo hồi tháng 2 vừa qua.
Hiện Washington vẫn duy trì khoảng 28.500 binh lính trên đất liền của Hàn Quốc, một trong những biện pháp hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
"Nếu THAAD được triển khai đến các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc , khả năng của chúng tôi sẽ được tăng cường đáng kể", Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Ông Han nói rằng việc triển khai THAAD sẽ có "lợi ích quân sự nhất định" khi giúp Seoul có thể ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa phát triển từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều giữa các chính trị gia Hàn Quốc xung quanh việc có nên cho phép đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không. Nhiều chính trị gia lo ngại rằng sự hiện diện của nó có thể làm suy yếu chủ quyền đất nước. Về phần mình, phía Mỹ luôn đưa ra lập luận nhằm trần an các nghi ngại của Hàn Quốc, khẳng định, việc xây dựng một lá chắn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, ở Hàn Quốc hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phòng vệ.
THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỗi hệ thống tên lửa THAAD có chứa 8 tên lửa đánh chặn và được bắn từ một bệ phóng gắn trên xe cơ động.
THAAD được thiết kế và phát triển bởi Lockheed Martin. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).
Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.
Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.
Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.
Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3.
THAAD cùng với Aegis, Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 3 tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc