(VnMedia) - Cuối tuần trước, các nghị sĩ trong Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật trao cho Ấn Độ vị thế là đồng minh lớn không phải thành viên NATO của Mỹ, chính thức hướng tới mục đích nới lỏng việc bán công nghệ và thiết bị quân sự cho cường quốc Châu Á. Mục đích của Mỹ theo các nhà phân tích là nhằm để tăng cường sự ủng hộ cho New Delhi trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Mỹ đang tích cực thiết lập một mối quan hệ sâu sắc với Ấn Độ |
Hôm 20/5, báo chí Ấn Độ đưa tin, các nghị sĩ của Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật về việc nâng cao mối quan hệ an ninh, quốc phòng với Ấn Độ, từ đó trao cho New Delhi vị thế tương tự như vị thế của các đồng minh NATO của Mỹ.
Theo nghị sĩ George Holding, một trong những đồng tác giả của dự luật, hành động của họ là nhằm “tìm cách tăng cường quan hệ giao dịch quốc phòng cũng như khuyến khích sự hợp tác quân sự hơn nữa giữa Mỹ và Ấn Độ”.
Ông Holding nhấn mạnh, “trong bối cảnh bản chất có tính năng động của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và tầm quan trọng của nó đối với an ninh quốc gia cũng như sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của riêng chúng tôi, bây giờ là thời điểm để tận dụng những thành công vừa đạt được và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn tiến về phía trước”.
Theo báo chí Ấn Độ, dự luật nói trên sau khi được Hạ viện thông qua sẽ còn cần phải nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ trước khi đưa lên bàn của Tổng thống Barack Obama đề chờ xin chữ ký. Dự luật này còn có mục tiêu là tăng cường công tác lập kế hoạch quân sự chung giữa quân đội hai nước Mỹ, Ấn cho các nhiệm vụ “vì lợi ích chung”, bao gồm chống cướp biển, giải cứu thảm họa, hỗ trợ nhân đạo và an ninh hàng hải chung.
Và dù hầu hết báo chí Mỹ và Ấn Độ không muốn nhắc đến trực tiếp nhưng các chuyên gia, nhà phân tích không ngại ngần chỉ ra rằng, việc củng cố mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai cường quốc lớn hàng đầu thế giới là Mỹ và Ấn Độ cũng là một phần trong nỗ lực nhằm tạo ra một liên minh chống Trung Quốc
"Mỹ đang tích cực tìm kiếm đồng minh để làm đối trọng với Trung Quốc. Hiện tại, Nhà Trắng đã tiến tới việc bắt đầu một mối quan hệ với Ấn Độ - nước đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và từng đối đầu trực diện trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Người Mỹ muốn ràng buộc New Delhi vào vị thế của một đồng minh NATO”, nhà bình luận của tờ Expert.ru – ông Sergei Manukov đã phân tích như vậy.
Dự luật mới sẽ thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, Washington có thể bán cho Ấn Độ vũ khí, thiết bị quân sự và công nghệ quân sự theo điều kiện giống như Mỹ đưa ra với các thành viên của NATO.
Cùng thời điểm, các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu chặn gói viện trợ 450 triệu USD cho đối thủ lâu năm của Ấn Độ là Pakistan với lý do nước này thất bại trong việc chống lại nhóm nổi dậy Haqqani Network có liên quan đến Taliban.
Theo nhận định của ông Manukov, "Washington thậm chí không cần giấu diếm sự không hài lòng với giới chức Pakistan vì sự bất lực hay không sẵn sàng trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố. Quan trọng hơn, Mỹ muốn thông qua hành động cắt bỏ viện trợ cho Pakistan để thể hiện sự chuyển hướng sang Ấn Độ, nhằm lôi kéo Ấn Độ vào mặt trận kiềm chế đối thủ địa chính trị Trung Quốc”.
"Mục đích chính của dự luật là giới hạn tham vọng bành trướng của Trung Quốc, sử dụng đối thủ lịch sử của Bắc Kinh là New Delhi để làm việc này. Chính vì thế, Nhà Trắng đang tích cực nỗ lực phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Mỹ-Ấn”, nhà phân tích Manukov cho biết thêm.
Hồi đầu tháng này, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ, Ấn đã gặp nhau ở New Delhi để “đối thoại về hàng hải” nhằm xem xét tình hình ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo báo chí Ấn Độ, hai nước chuẩn bị ký một thỏa thuận song phương, cho phép hải quân hai nước sử dụng các căn cứ của nhau để cung cấp hậu cần, dịch vụ sửa chữa và phục vụ cho các chiến dịch.
Hơn nữa, hồi đầu năm nay, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ - ông Harry Harris cho Ủy ban Quân vụ Thượng viên Mỹ biết, ngoài thỏa thuận nói trên, quân đội Mỹ và Ấn Độ còn dự định ký thêm hai thỏa thuận khác là thỏa thuận an ninh thông tin và thỏa thuận trao đổi dữ liệu trinh sát trên không, trên biển và khảo sát địa hình.
"Những thỏa thuận như vậy có thể được xem là bước đầu tiên để hai nước Mỹ, Ấn tiến tới việc ký kết một hiệp ước quân sự toàn diện. Đây sẽ là ác mộng khủng khiếp nhất của Bắc Kinh”, ông Manukov nhận định.
Kiệt Linh (theo RIA Novosti)
Ý kiến bạn đọc