Mỹ giận tím mặt nhìn Nhật thân thiết với Putin

16:14, 09/05/2016
|

(VnMedia) - Chuyến thăm Nga hồi tuần trước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được xem là một “gáo nước lạnh” phũ phàng mà Tokyo thẳng thừng tạt vào đồng minh thân thiết nhất là Washington. Chuyến thăm này không chỉ đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của Mỹ mà còn phá vỡ chính sách cô lập Nga của siêu cường số 1 thế giới. Điều đáng nói là “đòn giáng” nhằm vào Mỹ này được thực hiện bởi đồng minh lớn nhất, thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Không phải tất cả mọi người đều vui trước thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tuần vừa rồi có cuộc hội đàm kéo dài đến 3 giờ đồng hồ, ở khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga.

Trong khi cuộc gặp gỡ trên mang ý nghĩa lớn về mặt ngoại giao, bởi nó là cơ hội để Thủ tướng Abe có thể đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin về cuộc tranh chấp ở quần đảo Kuril thì với Nhà Trắng, đó lại là một vết rạn nứt gây khó chịu trong khối mặt trận đoàn kết chống Nga mà Washington đã dày công dựng lên. Cuộc gặp gỡ giữa ông Abe và ông Putin còn khiến Mỹ tức giận bởi trên thực tế, đích thân Tổng thống Obama đã có lời yêu cầu đồng minh Abe của mình không đến Sochi.

Nhật và Nga đang tranh chấp nhau quần đảo Kuril. Nhật đã “nhượng lại” quần đảo Kuril, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido của nước này, cho Liên Xô sau khi thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó, trên cơ sở tuyên bố Nhật-Xô năm 1956, Liên Xô đã cam kết trả lại hai đảo Habomai và Shikotan trong quần đảo Kuril cho Nhật. Tuy nhiên, cách đây vài năm, phía Nhật lại đòi Nga trả lại cả hai hòn đảo lớn hơn là Etorufu và Kunashiri bởi theo họ, hai đảo này không nằm trong quần đảo Kuril.

Cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Kuril kéo dài cho đến tận ngày nay đã khiến quan hệ Nga và Nhật Bản thỉnh thoảng lại rơi vào căng thẳng. Và đây cũng là lý do khiến Nga, Nhật chưa thể ký kết được hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.

Mục đích chính trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Nga vừa rồi là nhằm tìm kiếm các biện pháp giúp chấm dứt cuộc tranh chấp ở quần đảo Kuril đồng thời cải thiện mối quan hệ song phương.

Nga không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe ở Sochi. Moscow có kế hoạch thiết lập những căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril và đã đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực này là một trong những ưu tiên. Nói thẳng ra, không ai mong chờ Tổng thống Putin sẽ đột nhiên quyết định từ bỏ quần đảo Kuril - kể cả Thủ tướng Nhật Bản Abe.

Tuy nhiên, ông Abe tin rằng, nếu có bất kỳ điều gì có thể làm mềm đi lập trường của Nga đối với cuộc tranh chấp ở quần đảo Kuril thì đó sẽ là sự tăng cường hợp tác về kinh tế và kỹ thuật giữa Moscow với Tokyo. Điều này sẽ giúp khôi phục lại vùng Viễn Đông của Nga. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát tin rằng, bất chấp những khó khăn về kinh tế của Nga, Thủ tướng Abe vẫn ở thế yếu hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa hai nước Nhật và Nga.

Tuy nhiên, mọi người cũng không nên ngây thơ tin rằng, mối quan hệ Nga-Nhật có thể chỉ được quyết định bởi Moscow và Tokyo. Mỹ như bình thường muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Vấn đề đối với Nhật Bản - một đồng minh lớn của Mỹ, là Tokyo cũng phải thể hiện rằng cuộc tranh chấp quần đảo Kuril với Nga cũng quan trọng đến mức Tokyo buộc phải thể hiện một sự khác biệt hiếm hoi với Washington.

Thủ tướng Abe hiểu rất rõ rằng, để “ve vuốt” Tổng thống Putin, Nhà lãnh đạo Nhật Bản phải thể hiện rằng chính ông này chứ không phải Nhà Trắng điều khiển chính sách đối ngoại của Tokyo. Đây là điều không hề đơn giản trong bối cảnh Mỹ rõ ràng đã gây áp lực với Nhật. Nhưng rõ ràng, ông Abe đã mạo hiểm khi chuyến thăm đến Nga của ông diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra ở Nhật Bản vào cuối tháng này. Việc ông Abe kiên quyết đến Nga gặp gỡ ông Putin rõ ràng còn phá vỡ những nỗ lực của Mỹ trong việc thực hiện chính sách cô lập Moscow.

Sau khi phớt lờ yêu cầu của Tổng thống Obama về việc không gặp gỡ ông Putin, mức độ gây áp lực của Mỹ được thể hiện qua việc Thủ tướng Abe đã phải cử một quan chức an ninh hàng đầu đến Washington để giải thích về cuộc gặp gỡ ở Sochi.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc