(VnMedia) - Triều Tiên luôn giương oai diễu võ với những lời lẽ đe doạ đầy thách thức với các quốc gia "thù địch", những nước luôn muốn phá vỡ chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của họ mạnh đến đâu thì vẫn là một điều bí ấn vì để tiếp cận kho vũ khí và lực lượng vũ trang nước này là điều không dễ dàng. Tất cả các nguồn tin có được chỉ là thông tin tình báo nước ngoài.
Sức mạnh quân sự của Triều Tiên luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hàn Quốc và các cường quốc, trong đó có Mỹ, nhất là giữa lúc mối căng thẳng giữa các bên đang lên tới đỉnh điểm.
Lực lượng không quân là nòng cốt của sức mạnh quân sự Triều Tiên với những loại chiến đấu cơ hiện đại và dàn tên lửa tối tân. Phòng không Triều Tiên phủ khắp lãnh thổ, tập trung bảo vệ các thành phố lớn, căn cứ quân sự và đặc biệt là bảo vệ “trái tim” Bình Nhưỡng.
Mạng lưới phòng không với mật độ chiến đấu cơ dày đặc
Theo thống kê từ báo cáo của phòng tình báo thủy quân lục chiến Mỹ đưa ra năm 1997, Không quân Bắc Triều Tiên có khoảng 92.000 binh lính, trang bị 730 chiến đấu cơ và vận tải cơ cùng 300 trực thăng các loại.
Nhiệm vụ chính của không quân Triều Tiên là phòng không bảo vệ vùng trời lãnh thổ, nhiệm vụ thứ hai là tham gia hỗ trợ hỏa lực cho lục quân và hải quân, hỗ trợ vận tải và hậu cần.
Quân đội Triều Tiên không tự sản xuất máy bay. Hầu hết các máy bay của họ được sản xuất theo công nghệ hàng không Liên Xô và Trung Quốc từ những năm 1950-1960.
Tuy nhiên, năm 1980, Liên Xô đã cung cấp môt số chiến đấu cơ hiện đại cho không quân Bắc Triều.
Trong mạng lưới phòng không của quân đội Triều Tiên thì các đơn vị máy bay đánh chặn là bộ phận không thể thiếu.
Loại chiến đấu cơ được trang bị nhiều nhất cho không lực Triều là tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21 (120 chiếc) và MiG-19 (100 chiếc).
Ngoài ra, năm 1984, Liên Xô cung cấp 46 tiêm kích đánh chặn MiG-23 cho Bình Nhưỡng. Năm 1988, Triều Tiên nhận thêm một số tiêm kích hiện đại thế hệ thứ tư MiG-29, có năng lực tác chiến hùng mạnh hơn.
Mặc dù vậy, các loại máy bay MiG-21 vẫn đóng vai trò “xương sống” trong không quân tiêm kích Triều Tiên.
Các trung đoàn không quân tấn công mặt đất của Triều Tiên biên chế các máy bay được chế tạo từ những năm 1950-1960.
Bên cạnh đó, Không quân Triều Tiên cũng được trang bị ba trung đoàn phi cơ ném bom hạng nhẹ Il-28, một trung đoàn cường kích Su-7, năm trung đoàn tiêm kích MiG-15 và MiG-17. Hai loại chiến đấu cơ MiG-15 và MiG-17 này đều thuộc loại máy bay tiêm kích nhưng được Triều Tiên cải tiến mang bom tham gia tấn công hỗ trợ bộ binh dưới mặt đất.
Cùng với việc tiếp nhận MiG-29, năm 1988 Triều Tiên nhập khẩu 36 cường kích cơ hiện đại Su-25. Qua đó, nâng cao phần nào khả năng tác chiến không quân cường kích Triều Tiên.
Còn về lực lượng trực thăng, năm 1980, Triều Tiên tăng số lượng trực thăng từ 40 chiếc lên 275 chiếc, chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-2, Mi-4 và Mi-8.
Năm 1985, Triều Tiên phá vỡ kiểm soát vũ khí của Mỹ khi nhập khẩu thành công 87 trực thăng dân sự Hughes. Sau đó, họ cải tiến Hughes để mang súng máy và rocket.
Về các phi đôi vận tải, Triều Tiên cũng chỉ nhận được máy bay vận tải lỗi thời chế tạo với công nghệ cũ lạc hậu từ Liên Xô. Phi đội vận tải trang bị 270 máy bay vận tải hạng nhẹ An-2 và 10 vận tải cơ An-24. Không quân Triều Tiên có ít nhất sáu trung đoàn An-2 có thể đáp ứng nhiệm vụ vũ trang tấn công mặt đất và vận tải.
Dàn tên lửa tối tân - Nỗi ám ảnh của các quốc gia láng giềng
Ngoài ra, mạng lưới phòng không Triều Tiên còn được đánh giá thuộc loại hàng đầu thế giới với với những loại tên lửa tối tân.
CHDCND Triều Tiên được cho là một trong những nước sở hữu kho vũ khí tên lửa có sức mạnh kinh hoàng nhất thế giới.
Kho tên lửa của Triều Tiên hiện có tới 1.000 tên lửa các loại với tầm bắn từ hàng trăm km đến hàng nghìn km và đều có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, gần đây, thế giới đang phát sốt trước tin Bình Nhưỡng sắp sửa cho trình làng một loại siêu tên lửa có tầm bắn lên tới 10.000km có thể vươn tới lục địa Mỹ. Trước đó, Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có tầm bắn ít nhất là 6.000km, có thể phá huỷ các mục tiêu ở bang Alaska của Mỹ.
Trong đó, CHDCND Triều Tiên đã phát triển tới 600 quả tên lửa Scud, được cho là nỗi ám ảnh của Hàn Quốc.
Từ tên lửa Scud-B của Liên Xô do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500 và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài ra, quốc gia này còn tự nghiên cứu và chế tạo khoảng 200 tên lửa Nodong và khoảng 50 tên lửa Taepodong.
Tên lửa tầm trung Nodong cũng được phát triển dựa trên kết cấu của tên lửa Scud. Nó có tầm bắn lên tới 1.300km và có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng từ 1.000 đến 1.200kg.
Với tầm bắn như trên, tên lửa Nodong trở thành mối đe dọa thực sự đối với Nhật Bản vì nó có thể phá hủy bất cứ mục tiêu nào của Nhật Bản cũng như bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.
Sau Scud và Nodong, Bình Nhưỡng đã tiến tới phát triển công nghệ tên lửa tầm xa, đó là tên lửa Taepodong 1 và Taepodong 2.
Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.
Taepodong-1 nặng khoảng 33 tấn, đường kính 1,8m và dài 25,8m. Với tầm bắn từ 2.200km đến 2.500km, Taepodong-1 có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Triều Tiên hiện có hàng chục tên lửa Taepodong-1 và đều đang được triển khai để sẵn sàng chiến đấu.
Tên lửa Taepodong-2 được xem là loại tên lửa đáng sợ nhất. Là tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Triều Tiên cho tới thời điểm này, Taepodong-2 nặng gần 80 tấn, chiều dài khoảng 35,8m, đường kính từ 2,0 - 2,2m. Taepodong-2 có thể mang đầu đạn thông thường, hạt nhân nặng tới 500kg với tầm bắn lên tới 6.700km,
Với tầm bắn như trên, Taepodong-2 có thể đe dọa Anh, Australia và các khu vực miền Trung, miền Tây nước Mỹ.
Thêm vào đó, vừa mới đây, Tướng Curtis M.Scaparrotti – Tư lệnh Lực lượng liên quân Mỹ-Hàn cũng nhận định, Triều Tiên hiện đã có đủ công nghệ để chế tạo đầu đạn hạt nhân, có thể gắn trên các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ý kiến bạn đọc