Triều Tiên tung "cái tát trời giáng" vào Mỹ và Trung Quốc

11:58, 07/02/2016
|

(VnMedia) - Ngay sau khi vừa lên tiếng cảnh báo Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc đã nhận ngay “cái tát trời giáng” đầy thách thức khi chính quyền Bình Nhưỡng cho phóng ngay một tên lửa có tầm bắn vươn tới tận đất Mỹ.

Triều Tiên lại khiến cộng đồng quốc tế
Triều Tiên lại khiến cộng đồng quốc tế "dậy sóng" vì vụ thử tên lửa mới

Triều Tiên hôm nay (7/2) đã thách thức mọi lời cảnh báo quốc tế để thực hiện vụ phóng rocket tầm xa mà Liên Hợp Quốc và các nước khác miêu tả là vỏ bọc để tiến hành vụ thử công nghệ cho một tên lửa tầm xa có thể tấn công đến tận lãnh thổ của nước Mỹ xa xôi.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, tên lửa vừa được Triều Tiên bắn đi sáng nay có tầm bắn lên tới hơn 10.000km.

Tên lửa của Bình Nhưỡng đã được phóng đi từ bờ biển phía tây và nó nhanh chóng bị chính phủ Nhật Bản cũng như Hàn Quốc phát hiện. Ngay lập tức, Seoul và Tokyo đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia.

Báo chí Hàn Quốc đưa tin, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thể thất bại nhưng không cho biết các thông tin cụ thể khác. Chính phủ Hàn Quốc chưa đưa ra lời bình luận gì về thông tin trên.

Vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ sau khi khung thời gian mà Triều Tiên đưa ra trong thông báo bắt đầu mở ra. Trước đó, Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa mới trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 25/2.

Một quan chức quốc phòng của Hàn Quốc giấu tên cho biết, tên lửa của Triều Tiên đã biến mất khỏi màn hình radar của quân đội Hàn Quốc chỉ khoảng 6 phút sau khi được phóng đi. Vị quan chức này cũng cho hay, không có thông tin gì về các mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc hay có tình trạng tài sản bị tổn hại. Giai đoạn 1 của tên lửa đã rơi xuống bờ biển phía tây của Hàn Quốc.

Trong khi đó, đài truyền hình NHK của Nhật Bản quay lại cảnh một vật thể được nhìn thấy rõ trên bầu trời đảo phía nam Okinawa của nước này. Vật thể đó được tin là tên lửa của Triều Tiên. Phát ngôn viên nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga cho các phóng viên biết, không có mảnh vỡ nào của tên lửa Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Vụ thử tên lửa mới nhất cùng với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi đầu tháng 1 được xem là những bước đi quan trọng nhằm tiến tới mục tiêu cao nhất của nước này trong việc có được trong tay kho vũ khí tên lửa hạt nhân tầm xa. Triều Tiên dưới thời của Chủ tịch trẻ Kim Jong Un đã cam kết sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình trừ phi Washington từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng miêu tả là một chính sách thù địch nhằm lật đổ chính phủ của ông Kim.

Cộng đồng quốc tế "dậy sóng"

Ngay sau khi tin tức về vụ thử tên lửa của Triều Tiên lan ra, cộng đồng quốc tế ngay lập tức “dậy sóng” với “cơn mưa” chỉ trích ồ ạt đổ về phía chính quyền của ông Kim Jong Un.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe miêu tả vụ thử tên lửa của Triều Tiên và vụ thử hạt nhân mới nhất vừa rồi của nước này là những hành động vi phạm các thỏa thuận của Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi tuyệt đối không cho phép điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ có hành động để bảo vệ đầy đủ sự an toàn và hạnh phúc của những người dân của chúng tôi”, ông Abe tuyên bố tại dinh thự riêng của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - bà Susan Rice cho biết trong một tuyên bố rằng, “chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lợi ích của chúng ta – trong đó có cả lợi ích của một vài trong những đồng minh thân cận nhất của chúng ta. Chương trình đó cũng làm phương hại đến hòa bình và an ninh của cả khu vực”.

Mỹ và Nhật Bản đã nhanh chóng yêu cầu tiến hành một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay trong sáng nay (7/2). Trong lời yêu cầu của mình, hai nước trên khẳng định Bình Nhưỡng đã vi phạm lệnh cấm không được tiến hành phóng tên lửa đạn đạo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch trẻ Kim Jong Un đã giám sát 2 trong 4 vụ thử hạt nhân và 3 vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên kể từ khi ông này tiếp quản vị trí lãnh đạo đất nước sau cái chết của người cha Kim Jong Il hồi cuối năm 2011. Triều Tiên luôn khẳng định, các vụ phóng tên lửa của họ chỉ là để phục vụ nhiệm vụ đưa vệ tinh vào vũ trụ. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác tin rằng, những vụ thử như vậy thực chất chỉ là vỏ bọc để Triều Tiên tiến hành thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo. Hội đồng Bảo an Liên Hợp QUốc đã cấm Triều Tiên không được thực hiện các hoạt động liên quan đến hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia cho biết, các tên lửa đạn đạo và rocket đưa vệ tinh vào quỹ đạo thường có chung đặc điểm về hình dáng, động cơ và các công nghệ khác.

Vụ thử tên lửa ngày hôm nay của Triều Tiên diễn ra đúng một tháng sau khi nước này vừa gây rúng động toàn thế giới khi tuyên bố thử bom H vào hôm 6/1. Trong khi cộng đồng thế giới còn chưa hết tức giận về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên thì nước này lại làm dậy sóng dư luận trở lại bằng một hành động đầy thách thức thêm nữa.

Việc Bình Nhưỡng bỏ qua mọi lời cảnh báo của các nước, kể cả từ đồng minh thân thiết nhất là Trung Quốc, đã chứng tỏ rằng nước này ngày càng trở nên “độc lập, khó đoán và sẵn sàng thách thức bất kể ai”. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác muối mặt trước đồng minh cứng đầu của mình.


Ý kiến bạn đọc