(VnMedia) - Trung Quốc vừa hứng đòn liên thủ ở Biển Đông khiến nước này không khỏi choáng váng. Tuy nhiên, đòn liên thủ đó được cho là sẽ không ngăn được Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Đây là tàu chiến được Mỹ cử đi để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông |
Áp lực dồn lên Trung Quốc xung quanh đòi hỏi chủ quyền phi lý và thái quá của nước này ở Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên đang được đẩy lên nhiều nấc. Có vẻ như Trung Quốc chưa bao giờ bị dồn ép mạnh mẽ đến như vậy. Đầu tiên, Mỹ đưa một tàu chiến mang tên lửa dẫn đường vào phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây được xem là hành động thách thức trực diện nhất, công khai nhất của Mỹ đối với đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở quanh các đảo nhân tạo.
Trong khi Trung Quốc còn chưa hết ngỡ ngàng, choáng váng thì nước này lại bị “bồi” thêm một cú giáng mới với sức nặng không kém gì đòn giáng của Mỹ. Theo đó, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh, toà án trọng tài quốc tế The Hague hồi tuần trước vẫn ra phán quyết tuyên bố họ có đầy đủ thẩm quyền để thụ lý vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc.
Giới chuyên gia tin rằng, chẳng có “đòn” nào ở trên có thể ngăn được Trung Quốc tiếp tục theo đuổi tham vọng giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông – một khu vực mà nước này coi là có yếu tố sống còn đối với an ninh của họ. Bắc Kinh được cho là sẽ đặt ưu tiên cao hơn vào cái mà họ xem là lợi ích chiến lược chứ không phải vào uy tín quốc tế của họ.
Tuy nhiên, đòn liên thủ của Mỹ và Philippines chắc chắn sẽ gây tổn hại đến những nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng uy tín trên sân khấu toàn cầu khi sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này đang vươn lên.
Mỹ đã nỗ lực 5 năm qua nhằm gây áp lực về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của cường quốc Châu Á. Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ được cho là không mấy thành công. Mỹ hy vọng sức ép lần này của họ và Philippines sẽ tạo ra sự khác biệt. Giới chức ở thủ đô Washington đã hoan nghênh nhiệt liệt quyết định của toà án trọng tài, nói rằng họ mong chờ Bắc Kinh sẽ tôn trọng và tuân theo phán quyết cuối cùng của toà án quốc tế dự kiến được đưa ra vào năm sau.
Mặc dù toà án trọng tài được lập nên trên cơ sở một điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - một công ước được cả Philippines và Trung Quốc ký kết tham gia, nhưng Bắc Kinh vẫn quyết liệt tẩy chay tiến trình pháp lý đó. Hồi cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, phán quyết về vấn đề thẩm quyền của toà án trọng tài The Hague “là hoàn toàn vô giá trị và không có hiệu lực”. Trung Quốc cũng khẳng định, phán quyết của toà án nói trên sẽ chẳng có giá trị ràng buộc gì đối với họ và họ sẽ không tuân theo.
Manila đã khởi kiện Trung Quốc ra toà án The Hague hồi tháng 1 năm 2013 với tuyên bố những đòi hỏi chủ quyền hiện tại dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị và không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Toà án The Hague cũng sẽ xem xét và ra phán quyết về việc liệu những bãi đá, bãi cạn mà Trung Quốc chiếm đóng, trong đó có cả một đảo nhân tạo mà tàu chiến Mỹ vừa đi qua, có giúp Bắc Kinh xác lập chủ quyền lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế hay không. Philippines đưa ra lập luận là không.
"Toà án trọng tài không bác bỏ thẩm quyền của mình đối với bất kỳ vấn đề gì được nêu trong hồ sơ của Philippines và toà án này có thể đưa ra tất cả phán quyết liên quan đến mọi vấn đề mà Manila nêu ra. Thực tế trên khiến Trung Quốc cảm thấy lo âu và bất an”, ông Bonnie Glaser - một cố vấn cấp cao về Châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đã nhận định như vậy.
Theo ông Malcolm Cook, cố vấn cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ở bên ngoài Trung Quốc, nhiều chuyên gia về luật biển cảm thấy hoài nghi về đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông - một đòi hỏi mà Trung Quốc tuyên bố dựa vào nguồn gốc lịch sử. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Mặc dù Trung Quốc đang ở thế yếu hơn trong lập luận liên quan đến đường lưỡi bò, nhưng giới chuyên gia tin rằng điều đó chẳng làm Trung Quốc thay đổi tiến trình theo đuổi tham vọng của họ. "Hải quân Trung Quốc có lợi ích rất lớn trong việc giành quyền kiểm soát lớn hơn ở Biển Đông và lợi ích đó cũng như con đường theo đuổi lợi ích đó của họ sẽ không thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của toà”, chuyên gia Cook nhận định.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Gần đây, Bắc Kinh gây bất bình lớn cho các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung vì tự ý xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Là một bên trong tranh chấp Biển Đông, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc