(VnMedia) - Chính quyền quân sự Thái Lan mới đây đã gây bất ngờ khi quyết định dùng chính sách trợ cấp nông nghiệp – một chính sách mà họ từng chỉ trích kịch liệt và dùng nó để lật đổ cựu nữ Thủ tướng Yingluck.
Ảnh minh hoạ |
Chính phủ Thái Lan gần đây đã thông qua một khoản tiền trị giá ít nhất 1,3 tỉ USD để trợ cấp cho nông nghiệp, chủ yếu là nhằm giúp cho ngành gạo và cao su – những ngành mà Thái Lan có thế mạnh nhưng đang phải đối mặt với khó khăn.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan – Tướng Prayut Chan-O-Cha hôm qua (5/11) đã lên tiếng bảo vệ cho quyết định của mình trong việc dùng lại chính sách trợ cấp nông nghiệp của bà Yingluck.
"Tôi thừa nhận rằng chúng tôi không thể từ bỏ các chương trình dân tuý nhưng chúng tôi sẽ phải xem xét làm cách nào để biến những chính sách đó trở nên tốt hơn, toàn diện hơn và công bằng hơn”, ông Prayut Chan-O-Cha đã nói như vậy với cánh phóng viên.
"Các chính sách của chúng tôi sẽ giúp cho đất nước Thái Lan nhiều hơn chính sách dân tuý của chính phủ tiền nhiệm”, Thủ tướng Prayut tự tin phát biểu.
Tư lệnh Lục quân Thái Lan – Tướng Prayut đã lên nắm quyền từ hồi năm ngoái sau khi lật đổ chính quyền được bầu lên một cách dân chủ của cựu nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Cuộc lật đổ này được thực hiện sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình đường phố được châm ngòi một phần từ chính sách trợ cấp nông nghiệp nhiều tranh cãi của bà Yingluck.
Bà Yingluck đã bị cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện chương trình trợ cấp giá gạo. Chương trình trợ cấp giá gạo vốn mang thương hiệu của chính quyền nữ Thủ tướng Yingluck. Chương trình này đã giúp bà Yingluck giành được sự ủng hộ của hàng triệu người nông dân, giúp bà thẳng tiến lên chiếc ghế quyền lực cao nhất trong cuộc bầu cử năm 2011, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan. Tuy nhiên, chương trình trợ cấp giá lương thực cũng được cho là đã gây ra tổn thất ít nhất 4,4 tỉ USD cho Thái Lan. Đây chính là kẽ hở để phe đối lập tận dụng tấn công vào chính quyền của bà Yingluck. Kết quả là chính quyền của bà Yingluck đã sụp đổ vào năm ngoái, mở đường cho chính quyền quân sự lên tiếp quản quyền lực.
Thái Lan đã bị đẩy vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng chính trị không hồi kết kéo dài suốt 9 năm qua kể từ khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu lật đổ ông Thaksin năm 2006. Cuộc khủng hoảng này đã khiến mâu thuẫn giữa một bên là thành phần hoàng gia, trung lưu chống Thaksin với bên kia là lực lượng nông dân, người nghèo ủng hộ Thaksin ngày một trở nên nghiêm trọng.
Sau khi lật đổ chính phủ của bà Yingluck, quân đội Thái Lan đã giải thích rằng, việc họ làm là cần thiết để khôi phục lại trật tự và ngăn chặn những chính sách dân tuý được tầng lớp dân nghèo, nông thôn của Thái Lan ủng hộ nhưng bị giới Hoàng gia, trung lưu và quân đội cáo buộc là chứa đầy tham nhũng.
Cũng từ sau cuộc lật đổ nói trên, bà Yingluck cùng các đồng minh then chốt của mình bị đẩy vào mớ bòng bong của một loạt những vụ kiện tụng xoay quanh chương trình trợ cấp giá gạo của bà. Cựu nữ Thủ tướng Yingluck khẳng định những cáo buộc nhằm vào bà hiện nay đều mang động cơ chính trị.
Theo chương trình trợ cấp của bà Yingluck, chính quyền mua giá gạo của người nông dân với mức giá trên mức giá thị trường. Chính sách này đem lại lợi ích cho người nông dân nhưng nó đã để lại cho Thái Lan một nguồn gạo khổng lồ không bán được.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Thái Lan đang chững lại, Thủ tướng Prayut bắt đầu dùng lại những chính sách tương tự của chính phủ tiền nhiệm của bà Yingluck.
Trong cuộc cải tổ nội các mùa hè vừa rồi, Thủ tướng Thái Lan đã bổ nhiệm cựu cố vấn của ông Thaksin Shinawatra - Somkid Jatusripitak vào vị trí giám sát nền kinh tế.
Ông Prayut cũng nhanh chóng thông báo khoản vay không lãi và nguồn tiền trị giá 3,7 tỉ USD để giúp phục hồi công việc làm ăn của các doanh nghiệp nhỏ ở các khu trung tâm nông nghiệp của đất nước Thái Lan.
Hai ngành nông nghiệp chính của Thái Lan – gạo và cao su, đang trải qua thời kỳ khó khăn do giá thế giới đi xuống. Thực tế này đã làm giản sản lượng gạo và cao su ở Thái Lan, gây ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia Đông Nam Á.
Hồi tháng 8, Cơ quan Kế hoạch Thái Lan đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan trong năm nay xuống còn khoảng từ 2,7 đến 3,2%, biến Thái Lan trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển thấp nhất ở Đông Nam Á.
Các chính sách dân tuý đã làm nên thương hiệu, uy tín của cựu Thủ tướng Thaksin và đại gia đình Shinawatra.
Với một loạt chính sách dân túy như trợ cấp nông nghiệp, chính sách y tế gần như miễn phí, những khoản vay trợ cấp giáo dục hay lương hưu..., cựu Thủ tướng Thaksin đã trở thành vị Thánh đối với người dân nghèo Thái Lan bởi với họ, từ khi có ông, đời sống của họ có những đổi thay tích cực, họ có cơm no, áo ấm và đời sống sung túc hơn.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc