(VnMedia) - Một quan chức của Bộ Quốc phòng Indonesia vừa cho biết, nước này chưa đưa ra được quyết định cuối cùng về việc mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga.
Trước đó, hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia – ông Ryamizard Ryacudu từng cho biết, Indonesia đã quyết định thay thế chiến đấu cơ Northrop F-5 Tiger II của Mỹ bằng chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga.
Chiến đấu cơ Su-35 |
Ông Jan Pieter Ate, thư ký phụ trách hợp tác quốc tế của Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, nước này đang quan tâm tới việc mua 32 chiến đấu cơ mới nhưng chưa đưa ra được quyết định cuối cùng về đối tác cung cấp. Ông cũng cho biết thêm rằng, hiện tại, Indonesia chưa tiến hành đàm phán trực tiếp với Nga về vấn đề trên.
Ông Ate cũng nói với hãng tin RIA Novosti rằng, theo luật của Indonesia, bất cứ hợp đồng mua vũ khí nào từ nước ngoài cũng phải bao gồm cả việc chuyển giao ít nhất 35% công nghệ cho nước này. Ngoài ra, ông Ate còn thêm rằng một hợp đồng như vậy có thể được ký kết với phía Nga.
Gần đây, biết được nhu cầu cần thay thế phi đội chiến đấu cơ của Indonesia, đặc biệt là sau khi Jakarta tuyên bố sẽ mua Su-35 của Nga, nhiều công ty chế tạo vũ khí của phương Tây đã lao vào cạnh tranh, mời chào nhằm thuyết phục nước này mua chiến đấu cơ của họ.
Indonesia và Nga trước đó đã ký một hợp đồng 1 tỷ USD trong năm 2007, theo đó Indonesia mua thiết bị quân sự của Nga, gồm máy bay Sukhoi và Mi-35 máy bay trực thăng.
Sukhoi Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất. Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.
Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.
Tiêm kích Su-35 có thế đạt tốc độ tối đa đạt 2,5 nghìn km/h và có tầm bay lên đến 3,4 nghìn km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km.
Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/2/2008 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ ngày 3/5/2011.
Không chỉ có Indonesia, Su-35 cũng là loại vũ khí được rất nhiều nước thèm muốn. Được biết, nhiều khách hàng ở khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ đang đàm phán với tập đoàn Sukhoi để mua Su-35. Mới đây nhất, có tin Trung Quốc cũng đang có ý định mua 48 chiếc máy bay Su-35 trị giá 4 tỉ USD của Sukhoi. Các cuộc đàm phán liên quan đến hợp đồng này đang diễn ra. Cản trở duy nhất đối với hợp đồng vũ khí Nga-Trung hiện tại là Moscow yêu cầu Bắc Kinh phải cam kết bảo vệ bản quyền việc sản xuất Su-35 cho Nga vì Nga lo ngại Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ của Nga để phát triển lọai chiến đấu cơ tương tự.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc