(VnMedia) - Nga bị coi là một mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh của nước Anh. Đây là nội dung được cung cấp trong bản đánh giá sơ bộ về Chiến lược An ninh Quốc gia của Anh dự kiến được Thủ tướng David Cameron công bố vào ngày 23/11 tới.
Ảnh minh hoạ |
Danh sách các mối đe doạ tiềm tàng luôn là một phần trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính phủ Anh. Danh sách này được lập ra bởi chính phủ Anh, sau khi tiến hành các bước xem xét tổng thể về an ninh của đất nước.
Nga đã bị đưa vào danh sách các mối đe doạ đối với an ninh của nước Anh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như vì những bấn ổn xung quanh nguyên nhân của vụ rơi máy bay Metrojet, báo chí của Anh đưa tin.
“5 năm qua đã chứng kiến một loạt diễn biến quốc tế, từ sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cực đoan và trào lưu chính thống, đến những mối quan ngại ngày càng tăng về nguồn cung cấp năng lượng, cũng như sự gây hấn ngày càng lớn từ phía Nga”, báo cáo về bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Anh đã tóm tắt như vậy.
"Những hành động của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi về vai trò và tương lai của những chiến dịch của NATO ở các nước láng giềng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về mối đe doạ từ Nga đối với các quốc gia ở khu vực Đông Âu cũng như Baltic. Một vài trong số những nước này hiện đã là thành viên của NATO hoặc EU”, báo cáo của chính phủ Anh cho hay.
“Việc Nga ngày càng bị cô lập trên chính trường quốc tế (ví dụ như trong cuộc họp của G8 năm ngoái, Tổng thống Putin đã bị loại ra khỏi cuộc gặp), chi tiêu quân sự ngày càng tăng và xu hướng ngày càng sẵn sàng sử dụng vũ lực khi đối mặt với sự lên án toàn cầu đã dự báo 5 năm nữa sẽ phải chứng kiến một sự leo thang hơn nữa trong mối đe doạ từ Nga đối với an ninh của khu vực Tây Âu”, bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Anh đã đưa ra đánh giá như vậy.
Không ngạc nhiên khi Anh đưa chủ nghĩa khủng bố quốc tế với hai cái tên nổi bật là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIL) và Al-Qaeda vào đầu danh sách những mối đe doạ về an ninh.
“Sự tác động lẫn nhau giữa hai tổ chức khủng bố và sự kích động lẫn nhau giữa chúng để theo đuổi con đường khủng bố đã khiến thách thức ở Trung Đông và Châu Phi thêm nghiêm trọng và sâu sắc hơn".
Ngoài Nga và các tổ chức khủng bố, Chiến lược An ninh Quốc gia của Anh còn đề cập đến các mối đe doạ như chủ nghĩa cực đoan và tôn giáo.
“Sự quan ngại về chủ nghĩa cực đoan đang tăng lên trên khắp thế giới từ năm 2010, và mức độ đe doạ đối với Anh hiện tại rất nghiêm trọng do kết quả từ chính những mối đe doạ trong nước gây ra bởi lực lượng thánh chiến trở về từ Syria hay Iraq hoặc các điểm nóng khác của thế giới. Sự phát triển rộng khắp của chủ nghĩa cực đoan đang gây ra ảnh hưởng lớn đến sự tự tin của công chúng Anh và gây ra những nguy cơ an ninh mới".
Các mối đe doạ khác được liệt kê trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Anh còn có tình hình bất ổn ở Ukraine, “chủ nghĩa độc đoán của chính phủ Trung Quốc”, tội phạm có tổ chức, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, tình hình nhập cư....
Không chỉ mình nước Anh coi Nga là mối đe doạ về an ninh đối với nước này. Nga hiện tại đang trở thành mối đe doạ an ninh đối với rất nhiều nước kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Mỹ và các đồng minh ở khu vực Đông Âu cũng như ở Tây Âu luôn đổ lỗi cho Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Dưới sức mạnh của truyền thông phương Tây, Nga nhanh chóng trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với nhiều nước xung quanh nước này cũng như đối với cả các nước ở Tây Âu và thậm chí là đối với cả thế giới.
Phương Tây được cho là đã tìm mọi cách thổi phồng mối đe dọa mang tên Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga luôn cảm thấy bất an. Moscow cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang phát động một cuộc chiến tranh tuyên truyền nhằm vào Nga với đủ các thông tin gây bất lợi cho Nga được tung ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các mặt báo và các phương tiện truyền thông rầm rộ của phương Tây. Kết quả là hàng loạt nước coi Nga là mối đe doạ và điều đó đã gây ra một cuộc chạy đua quân sự ở Đông Âu. Các nước láng giềng của Nga như Ba Lan hay các nước Baltic không chỉ vận động mạnh mẽ cho việc NATO triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của họ mà bản thân những nước này còn tích cực tìm cách tăng năng lực quân sự để đối phó với Nga. Trong bối cảnh này, Mỹ và các đồng minh Châu Âu có lý do để liên tiếp tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Nga nhằm tạo thế “kìm kẹp”, “bao vây” Moscow.
Ý kiến bạn đọc