(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) vừa gây bất ngờ khi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc và các nước Châu Á khác về việc giải quyết cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông.
EU vẫn nhấn mạnh lập trường trung lập của họ nhưng lời kêu gọi trên chắc chắn sẽ được Mỹ hoan nghênh bởi lâu nay Mỹ vẫn mong muốn EU lên tiếng công khai về vấn đề Biển Đông, đặc biệt về tham vọng gây lo ngại của Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Ngoại trưởng các nước Châu Âu và Châu Á, Bắc Kinh đã không tránh khỏi việc phải đối diện với sự chỉ trích dù không trực tiếp về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) – bà Federica Mogherini đã thể hiện một lập trường cứng rắn, kiên quyết trong lần đầu tiên công khai đưa ra những phát biểu về tình hình Biển Đông kể từ khi Washington đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở khu vực.
"Chúng tôi cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đòi hỏi, xác lập chủ quyền thông qua hành động dọa dẫm, ép buộc, dùng vũ lực hay bất kỳ hành động đơn phương nào gây thêm sự mâu thuẫn, bất đồng”, bà Mogherini nhấn mạnh tại một cuộc họp báo khi được đề nghị bình luận về vấn đề Biển Đông.
Mỹ lâu nay vẫn kêu gọi, thúc giục Liên minh Châu Âu có tiếng nói mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đối với những gì mà Washington lo lắng về phương pháp tiếp cận hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ đồng minh thân thiết và gắn bó với Mỹ, EU vẫn chần chừ chưa công khai chỉ trích Bắc Kinh vào thời điểm khi mà liên minh này đang tìm kiếm khoản tiền đầu tư 10 tỉ USD từ Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của EU nhằm giúp kích thích sự tăng trưởng trở lại cho nền kinh tế đang chững lại của liên minh.
Một tuần sau khi Washington điều một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đến phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định sự tự do hàng hải cũng như thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở khu vực, EU cũng đã thẳng thắn đối diện với Trung Quốc trong khi vẫn phải phải bảo đảm rằng cuộc họp giữa các đại diện của 50 nước Châu Âu và Châu Á không hoàn toàn bị phủ bóng đen bởi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc