(VnMedia) - Ả-rập Xê-út – đồng minh thân thiết hàng đầu của Mỹ ở khu vực Trung Đông đang thèm khát các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Trung Quốc ký được hợp đồng mua loại tên lửa thiện chiến này, người đứng đầu tập đoàn công nghệ quốc gia Nga – Rostec hôm nay (9/11) cho hay.
Hệ thống tên lửa S-400 |
“Có nhiều nước muốn hệ thống S-400, trong đó có cả Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, đến nay chưa ai ký được hợp đồng mua loại tên lửa đó, ngoại trừ Trung Quốc”, ông Sergei Chemezev cho biết tại Triển lãm hàng không Dubai -2015.
Ả-rập Xê-út vốn là khách hàng truyền thống mua vũ khí của Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nước này đang tìm kiếm các đối tác khác để làm phong phú thêm kho vũ khí của mình.
Tin tức về việc Ả-rập Xê-út đang nhăm nhe tìm cách thuyết phục Nga bán S-400 cho nước này sẽ là tin không vui cho Mỹ, nhất là vào thời điểm Washington đang ám ảnh về viễn cảnh các đồng minh của họ ở Trung Đông lần lượt rời bỏ họ để chạy theo Nga.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây từng khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga. Tuy nhiên, mới đây có tin, Nga đã quyết định bán siêu tên lửa S-400 cho Trung Quốc.
Nga hiện tại cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống S-500 trên phiên bản S-400.
Liệu Ả-rập Xê-út cho chạy theo Nga?
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Ả-rập Xê-út có “bán đứng” đồng minh Mỹ để chạy theo Nga nhằm đạt được lợi ích trong vấn đề vũ khí.
Lâu nay, Ả-rập Xê-út vẫn là một trong số “những thành trì vững chắc” của Mỹ trong cuộc chiến chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Assad. Ả-rập Xê-út cùng một số nước trong khu vực như Qatar được cho là hậu thuẫn mạnh mẽ cho phe nổi dậy Syria.
Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út không phải là không có điều bất mãn với Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng ở Syria, Ả-rập Xê-út nhiều lần tỏ thái độ giận dữ trước sự thiếu kiên quyết của Mỹ trong hành động.
Sát cánh với Mỹ trong suốt hơn 4 năm qua trong vấn đề Syria, Ả-rập Xê-út không tránh khỏi sự thất vọng, chán ngán và tức giận trước chính sách ậm ờ, lững lờ và nước đôi của Mỹ đối với tình hình Syria. Ả-rập Xê-út muốn Mỹ phải ra tay quyết liệt, kiên quyết để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria nhưng Washington lại bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rõ ràng, Mỹ muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng lại không dám ủng hộ hết mình cho phe nổi dậy Syria bởi quá lo ngại viễn cảnh nước này vô tình tiếp tay cho lực lượng Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở đất nước Syria.
Ả-rập Xê-út còn không hài lòng với Mỹ về việc chìa tay ra với Iran. Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc diễn ra thành công là điều Ả-rập Xê-út không mong chờ.
Trong bối cảnh như vậy, Ả-rập Xê-út bắt đầu có dấu hiệu “xa cách” với đồng minh Mỹ và dần tiến gần tới với Nga hơn. Đầu tiên là việc Ả-rập Xê-út bắt đầu quan tâm đến vũ khí của Nga nhiều hơn và hai nước bắt đầu ký kết hợp đồng vũ khí với nhau.
Mới đây nhất, một quan chức Ả-rập Xê-út đã tiết lộ thông tin khiến Mỹ có thể giật mình. Cụ thể, Ả-rập Xê-út được cho là đang tính chuyện liên minh với Nga để chống IS sau khi chứng kiến chiến dịch không kích ấn tượng của Nga ở Syria.
Một số nhà phân tích tin rằng, Ả-rập Xê-út có dấu hiệu đảo chiều khi vị thế đồng minh Mỹ của họ trong khu vực Trung Đông đang bắt đầu suy yếu. Ngoài ra, Ả-rập Xê-út không muốn chứng kiến một liên minh Nga-Iran vươn lên trong khu vực, gây ảnh hưởng đến uy thế của họ.
Hiện tại, chưa thể khẳng định Ả-rập Xê-út đã “thay lòng”. Giới chức này vẫn đưa ra những phát ngôn chính thức bày tỏ sự quan ngại về chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria.
Ý kiến bạn đọc