F-35 hứng đòn choáng váng

12:19, 23/10/2015
|

(VnMedia) - Dự án vũ khí đắt đỏ nhất, lắm rắc rối nhất của Mỹ lại vừa phải hứng thêm một “đòn giáng choáng váng”, khiến nó có nguy cơ phải đội giá thêm rất nhiều. Diễn biến này gây quan ngại với một loạt nước, không chỉ với các nước là chủ của dự án mà cả với những nước đang “dài cổ” chờ đợi được tiếp nhận thứ vũ khí mà lâu nay họ vẫn mơ ước.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35
Chiến đấu cơ tàng hình F-35

 

Giám đốc điều hành dự án phát triển chiếc siêu chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 - Trung tướng Christopher Bogdan hôm 21/10 cho biết, chi phí cho mỗi một chiếc chiến đấu cơ F-35 sẽ bị đội thêm 1 triệu USD, nếu Canada quyết định rút khỏi dự án đa quốc gia nhằm phát triển một loại chiến đấu cơ tàng hình đỉnh cao mới.

Diễn biến trên có thể dẫn đến những cuộc đàm phán công khai về việc đối tác nào còn lại trong dự án F-35 sẽ tiếp nhận các phần máy bay mà Canada đang đảm nhận, ông Bogdan cho biết tại cuộc họp của một tiểu uỷ ban thuộc Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.

Trước đó, tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người vừa được bầu lên hồi đầu tuần, đã tuyên bố, chính phủ của ông sẽ rút toàn bộ chiến đấu cơ của Canada ra khỏi các chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria và Iraq đồng thời Canada cũng sẽ rút ra khỏi chương trình F-35.

Trước khi ông Trudeau được bầu làm Thủ tướng, chính phủ Canada có kế hoạch mua 65 chiến đấu cơ F-35 để thay thế cho phi đội những chiếc máy bay chiến đấu già cỗi CF-18 của họ.

Không có Canada - một trong 9 nước góp vốn cho dự án phát triển chiến đấu cơ F-35, số lượng F-35 được sản xuất sẽ giảm khoảng 61 chiếc, Trung tướng Bogdan cho hay. Theo ông này dự đoán, việc cắt giảm số lượng chiến đấu cơ F-35 được sản xuất đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ tăng từ 0,7% đến 1%, "tương đương mỗi chiếc máy bay sẽ đội chi phí lên khoảng 1 triệu USD ".

Trung tướng Bogdan cho rằng, việc Canada rút ra khỏi dự án lúc này cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho chương trình phát triển tiếp theo đối với các đối tác khác bởi Canada hiện đang đóng góp khoảng 2% chi phí đó.

Lầu Năm Góc có kế hoạch mua 2.457 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến với tổng chi phí lên tới 391 tỉ USD. Con số này biến dự án mua F-35 trở thành chương trình mua sắm vũ khí đắt nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ từ trước tới nay.

Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.

Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.

Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.

Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.

Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng lắm trục trặc.

Theo kế hoạch, Hải quân sẽ là lực lượng cuối cùng trong quân đội Mỹ sử dụng chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35, sau Lực lượng Thủy quân Lục chiến. Thủy quân Lục chiến Mỹ đã thông báo về phi đội chiến đấu cơ F-35 đầu tiên sẵn sàng hoạt động từ hồi tháng Bảy vừa rồi. Không lực Mỹ là lực lượng thứ hai sẽ tiếp nhận F-35 vào tháng 8 năm sau. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đón nhận phi đội F-35 sẵn sàng chiến đấu đầu tiên vào cuối năm 2018.

Với những tính năng ưu việt và vượt trội của mình, F-35 trở thành thứ vũ khí được nhiều nước thèm muốn, đặc biệt là các quốc gia Châu Á. Một số đồng minh của Mỹ ở Châu Á muốn dùng F-35 làm vũ khí răn đe chiến lược đối với Trung Quốc. Một sĩ quan quân đội cấp cao hàng đầu của Nhật Bản từng tuyên bố, chiến đấu cơ F-35 của hãng Lockheed Martin, Mỹ, là lựa chọn tốt nhất cho nhu cầu quốc phòng của cường quốc Châu Á này. Danh sách các nước đặt mua F-35 của Mỹ khá dài gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà  Lan, Australia, Canada...

Tuy nhiên, các khách hàng của Mỹ lo ngại là họ có khả năng phải “dài cổ” ngóng đợi thêm nhiều năm nữa mới có được trong tay những chiếc F-35 thiện chiến mà họ đang khao khát bởi dự án 400 tỉ USD của Mỹ liên tục phải đối mặt với một loạt những trục trặc về kỹ thuật, sự trì hoãn và chi phí đội lên rất nhiều.

Gần đây, quân đội Australia cũng tuyên bố, hủy bỏ kế hoạch mua máy bay F-35 cho Hải quân nước này.

Vân Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc