(VnMedia) - Một năm sau thảm hoạ động đất và sóng thần, nhờ vào bản lĩnh kiên cường và nỗ lực không ngừng nghỉ của những người dân Nhật Bản, sự sống nơi đây đang dần được hồi sinh.
Thảm họa kinh hoàng
Ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng mạnh tới 9 độ Richter kéo theo những con sóng thần cao từ 15-40 m đã tấn công vào vùng ven biển đông bắc của Nhật Bản san phẳng cả một vùng rộng lớn này. Thảm họa kép động đất-sóng thần ở Nhật đã làm khoảng 20.000 người thiệt mạng, hơn 3.200 người khác bị cuốn trôi ra biển chưa tìm thấy xác. Hiện 330.000 người vẫn đang phải ở trong các căn nhà tạm bởi hầu hết những căn nhà đã bị cuốn trôi của họ chưa được xây dựng lại.
Chưa dừng lại ở sự tàn phá và số người thương vong khủng khiếp, thảm họa kép của Nhật Bản còn gây ra một cuộc khủng hoảng điện hạt nhân đáng sợ khi nó làm hư hại các lò phản ứng và hệ thống làm mát trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima, dẫn tới các vụ nổ tại cơ sở này. Đây được coi là thảm hoạ nặng nề nhất trong lịch sử với thiệt hại ước tính 200 tỷ USD.
Một năm đã trôi qua, chính phủ tuyên bố nhà máy Fukushima I đạt trạng thái "tắt nguội" và nằm trong tầm kiểm soát vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà báo đã bắt đầu được tiếp cận với nhà máy nhưng giới chuyên gia cho biết nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt vì không xác định được vị trí của các thanh nhiên liệu tan chảy và việc hủy bỏ nhà máy Fukushima I phải mất nhiều thập kỷ mới hoàn thành.
Tuy vậy người dân Nhật Bản với bản lĩnh kiên cường đã vượt lên trên mọi sự đau khổ, quên đi những mất mát, để làm hồi sinh sức sống mới trên mảnh đất quê hương sau thảm hoạ.
Hồi sinh từ những ngành nghề truyền thống
Cũng giống như tất cả các thị trấn khác trên bờ biển rộng lớn ở phía Đông Bắc, thị trấn Ogatsu gần như bị phá huỷ hoàn toàn sau thảm hoạ động đất sóng thần năm 2011. Vậy mà chỉ trong vòng một năm, nhờ vào những ngành nghề truyền thống, sự sống tại vùng đất chết này đã được hồi sinh một cách kỳ diệu.
Công ty cổ phần hải sản Oh! Guts! với biểu tượng một nắm tay thách thức đã được thành lập từ mùa hè năm ngoái bởi các ngư dân địa phương bị mất thuyền, nhà cửa, và người thân trong vụ sóng thần. Cái tên thể hiện cho “ sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ” của các ngư dân nơi đây, ông Yoichi Suenaga, 55 tuổi, chia sẻ.
Giống như hầu hết những ngư dân khác, trước thảm hoạ sóng thần, ông Suenaga tự làm chủ hoạt động kinh doanh của mình. Giờ đây ông và 9 ngư dân khác đã cùng nhau hợp tác hoặc thậm chí kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Dần dần, công ty của những con người từng đứng trên bờ vực của cái chết đã ăn nên làm ra. Công ty đã xây dựng website để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình. Ông Suenaga cho biết, tất cả các sản phẩm của Oh! Guts! sẽ được kiểm tra phóng xạ để xua tan những lo ngại nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ngoài ngư nghiệp, với trữ lượng đá tự nhiên dồi dào, nghề làm mực thư pháp đang phát triển mạnh ở Ogatsu.
“Tuy trận động đất sóng thần đã phá huỷ hầu như tất cả các xưởng thủ công ở đây nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để phát triển trở lại những ngành nghề này như một sự hồi sinh của thị trấn”, ông Takahashi, 44 tuổi, tự tin nói.
Công cuộc tái thiết khu dân cư và thương mại cũng đang được gấp rút thực hiện tại thị trấn Ogatsu để giải phóng người dân khỏi những ngôi nhà tạm.
Trải qua thảm hoạ khủng khiếp nhất trong lịch sử, thế nhưng thị trấn Ogatsu là một ví dụ chứng minh cho cả thế giới thấy bản lĩnh kiên cường của nước Nhật. Không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có thể làm được điều này.
Khánh Chi -
(Theo USA today)
Ý kiến bạn đọc