(VnMedia) - .Các cuộc thử nghiệm mô hình kích thước thật đầu tiên của tên lửa tối tân Sarmat sẽ diễn ra vào cuối năm 2017. Đó là thông tin vừa được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm qua (31/10).
Chuyên gia quân sự Igor Korotchenko phát biểu trên đài Sputnik đã chia sẻ rằng các dữ liệu của tên lửa này sẽ đảm bảo sự cân bằng trong lĩnh vực hạt nhân chiến lược.
Theo ông Korotchenko, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được triển khai là đòn đáp trả đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, đặc biệt ở Romania và Ba Lan.
"Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiềm năng Sarmat được phát triển trong khuôn khổ chương trình vũ trang quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề về răn đe hạt nhân của các đơn vị thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược.
“Động thái trên nằm trong các giải pháp mới nhằm phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược hướng tới mục tiêu không cho phép Mỹ giải quyết vấn đề theo lối ưu thế đơn phương đối với Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, cũng như để đảm bảo ổn định chiến lược", ông Igor Korotchenko cho Sputnik biết.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, Nga không vi phạm bất kỳ thỏa thuận quốc tế hiện hành nào khi phát triển loại tên lửa này, trong đó có hiệp ước START-3.
"Trong bất kỳ trường hợp nào, việc phát triển bộ ba chiến lược Nga sẽ được thực hiện trong khuôn khổ giới hạn triển khai tên lửa và đầu đạn hạt nhân được quy định trong hiệp ước START III. Nhìn chung, chúng tôi hy vọng rằng việc hoàn thành thành công chu trình thử nghiệm sẽ cho phép sản xuất hàng loạt tên lửa Sarmat và đảm bảo tính cân bằng cũng như duy trì ổn định chiến lược trên thế giới", chuyên gia quân sự trên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, 7 trung đoàn tên lửa của nước này sẽ được trang bị các tổ hợp tên lửa đạn đạo Sarmat nặng 100 tấn trên.
Sarmat được xem là tên lửa đạn đạo 'sát thủ' đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa vì không có hệ thống nào hiện nay có thể ngăn chặn nó.
RS-28 Sarmat là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiêu liệu lỏng hiện đại, hiện đang được phát triển cho quân đội Nga.
Hệ thống tên lửa này được thiết kế để thay thế các tên lửa R-36M Voevoda. Sarmat đã bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2009, dự kiến sẽ được đưa vào biên chế để thay thế các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa cũ vào năm 2018. Theo kế hoạch, Nga sẽ hoàn tất việc thay thế hệ thống Voevoda bằng hệ thống RS-28 này trước năm 2020.
Trang mạng Zvezda đánh giá: “Sarmat sẽ không chỉ trở thành vũ khí kế nhiệm cho R-36M mà nó sẽ thay đổi định hướng phát triển sức mạnh răn đe hạt nhân của toàn thế giới”.
Trang mạng này cũng thêm rằng, hệ thống RS-28 có khả năng "xóa sổ" cả nước Pháp hay cả bang Texas của Mỹ. Bên cạnh đó, tốc độ “thần tốc” của nó còn có thể “qua mặt” mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Vũ khí chiến lược mới này của Nga được xem là để đối chọi với Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS - Prompt Global Strike) mà Mỹ đang theo đuổi và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2016.
Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí 'độc nhất vô nhị' chưa tìm được đối thủ 'xứng tầm', kể cả của Mỹ.
Nó có khả năng bay qua Bắc Cực và Nam Cực, mang theo đầu đạn phân tách tiên tiến, phóng từ các bệ phóng cơ động.
Dự án Sarmat được phát triển bởi một nhóm các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, đứng đầu là Trung tâm tên lửa Quốc gia Makeyev - đặt theo tên Viện sĩ V.P. Makeyev.
Mặc dù chưa có nhiều thông tin chính xác về thông số kĩ thuật của Sarmat, nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Nga cho biết, tầm bắn của tên lửa này vào khoảng 10.000km và trọng lượng của nó là 100 tấn, trong đó từ 4 đến 10 tấn là đầu đạn.
Tên lửa Sarmat được trang bị các đầu đạn dẫn hướng độc lập, có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau khi được phóng đi ở kì cuối của đường bay. Nga sẽ trang bị cho tên lửa này nhiều hệ thống chống nhiễu tín hiệu để xuyên thủng được lá chắn tên lửa của Mỹ. Nhiều thông tin cho rằng, nó có thể được sử dụng như một loại vũ khí siêu thanh trong các xung đột phi hạt nhân.
Ngoài ra, có thông tin cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc