Có 122 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của thế giới tại cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc ngày 7.7, nhưng không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia hiệp ước này.
Bà Elayne Whyte Gomez, chủ tịch hội nghị của Liên Hiệp Quốc đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh thế giới đã chờ đợi hiệp ước này suốt 70 năm qua, kể từ khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật hồi tháng 8.1945 trong Thế chiến 2, theo AP.
Bà Whyte Gomez cho biết thêm việc ký kết hiệp ước sẽ bắt đầu từ tháng 9 và hiệp ước sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 50 nước phê chuẩn.
Hiệp ước yêu cầu tất cả quốc gia phê chuẩn dưới bất kỳ trường hợp nào cũng không phát triển, thử nghiệm, sản xuất, sở hữu, tồn trữ vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị nổ hạt nhân khác. Hiệp ước cũng cấm vận chuyển hay sử dụng vũ khí hạt nhân, hay đe dọa dùng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong 9 nước được biết đến hoặc được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel, ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, theo AP.
Anh, Mỹ và Pháp ngày 7.7 còn ra tuyên bố chung nhấn mạnh 3 nước sẽ không tham gia đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và cũng không có ý định ký, phê chuẩn hay trở thành thành viên của hiệp ước.
“Sáng kiến này rõ ràng không để ý tới thực tế của môi trường an ninh quốc tế. Việc hướng tới lệnh cấm không phù hợp với chính sách răn đe hạt nhân, là yếu tố đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu và Bắc Á trong 70 năm qua”, tuyên bố viết.
Mặt khác, trong tuyên bố, Anh, Mỹ và Pháp tái khẳng định cam kết thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân, theo hãng tin TASS.
(Theo Thanh niên)
Ý kiến bạn đọc