Nga triển khai tàu ngầm mạnh chưa từng có

13:54, 27/06/2017
|

(VnMedia) - Nga sẽ tiếp tục chế tạo tàu ngầm bằng điện diesel lớp Lada thuộc Đề án 677 sau khi hai chiếc tàu thuộc lớp này được hoàn đóng trong 2 năm tới.

Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga hồi mùa xuân 2016 cho biết, hai tàu ngầm thuộc Đề án 677 lớp Lada sẽ được bàn giao trong năm 2018 và 2019.

“Sau khi bàn giao 2 chiếc tàu ngầm lớp Lada cho hải quân Nga mang tên Kronshtadt và Velikiye Luki, việc chế tạo loại tàu này sẽ tiếp tục được tiến hành”, Đô đốc hải quân Nga, Vladimir Korolev cho biết vào hôm 26/6.

Việc xây dựng chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên có tên Sankt Peterburg được thực hiện từ năm 1997 nhưng phải đến tháng 4/2010 nó mới được đưa vào hoạt động thử nghiệm trong hải quân Nga.

2 chiếc khác là Kronstadt và Velikie Luki đã được khởi đóng lần lượt từ năm 2005 và 2006, tuy nhiên, đã bị đình trệ một thời gian và mới chỉ được tiếp tục vào năm 2015.

Sau khi ra đời, tàu ngầm lớp Lada đã trở nên nổi tiếng với nhiều ưu điểm vượt trội và có sức hút mạnh mẽ trên thế giới.

Lada là tàu ngầm thế hệ 4 của Nga, được trang bị động cơ diesel điện. Thiết kế của tàu ngầm lớp Lada đã khỏa lấp những khiếm khuyết của tiền nhiệm là tàu ngầm lớp Kilo với tỉ lệ áp dụng công nghệ cao lên tới 60%.

Hiện nay, dây chuyền chế tạo tàu ngầm lớp Lada đã được khởi động trở lại và thiết kế của nó cũng đã được điều chỉnh. Theo kế hoạch, Nga sẽ đóng tổng cộng 8 chiếc tàu ngầm lớp Lada.

Tàu ngầm lớp Lada được thiết kế theo kiểu môđun hóa và sêri hóa, có thể căn cứ vào yêu cầu mà lắp ráp thành tàu ngầm với các tải trọng khác nhau như 550 tấn, 750 tấn, 950 tấn, 1.450 tấn, 1.650 tấn và 1.850 tấn.

Tàu Lada loại từ 1.650 tấn trở lên có thể lắp thêm khoang chứa tên lửa phóng theo chiều thẳng đứng và hệ thống không khí độc lập. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các loại tàu ngầm lớp Lada có kết cấu về cơ bản là giống nhau, nguyên lý thao tác cũng tương tự, cho nên, rất thuận tiện cho quân nhân trong hiệp đồng tác chiến.

Tàu ngầm lớp Lada áp dụng công nghệ vỏ một lớp, giúp giảm lượng giãn nước so với loại tàu ngầm cùng dung lượng. Đây là nhân tố hết sức quan trọng, vì nó giúp tàu ngầm trở nên nhỏ hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt là trong tác chiến ở vùng biển nông hoặc tác chiến gần bờ biển.

Nếu xét về khả năng tàng hình trước các thiết bị cảm âm, tàu ngầm lớp Lada thậm chí còn vượt trên cả tàu ngầm lớp Kilo vốn đã nổi tiếng với biệt danh “hố đen của đại dương”.

Tàu ngầm lớp Lada được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, thông tin dữ liệu được trao đổi và chia sẻ trong toàn bộ con tàu. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian ra mệnh lệnh, mà còn giảm thiểu nhân lực.

Tàu ngầm lớp Lada với tải trọng 1.650 tấn chỉ cần 35 người vận hành, bằng một nửa so với các loại tàu ngầm thông thường có tải trọng tương đương.

Tàu được trang bị hệ thống phóng theo chiều thẳng đứng khiến cho việc điều khiển vũ khí được đa dạng hóa và linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có thể được sử dụng để phóng người nhái hoặc trang bị để thực phục vụ hành động tác chiến đặc biệt.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc