(VnMedia) - Mới đây, trong cuộc tập trận Center-2015 - cuộc tập trận được đánh giá là lớn nhất trong năm, các lực lượng đã tiến hành phóng thử thành công tên lửa Iskander. Theo đó, tên lửa đã nhắm trúng vào các mục tiêu định sẵn với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Vụ phóng đã được tiến hành dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số đại biểu nước ngoài.
Được biết, hình ảnh cuộc tập trận nói chung và khoa mục phóng tên lửa Iskander nói riêng đã được một chiếc máy bay không người lái ghi lại rất chi tiết.
Tên lửa Iskander được xem là một trong những vũ khí bảo bối của Nga nhằm đối phó với đối thủ phương Tây hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu. Tên lửa Iskander được Nga sử dụng để cảnh báo Mỹ và NATO về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.
Iskander cũng là một trong những thứ vũ khí nằm trong lựa chọn hàng đầu của giới chức Nga khi họ tung ra những lời cảnh báo, đe dọa đối với phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này.
Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.
Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.
Ý kiến bạn đọc