Những loại vũ khí "siêu tưởng" đáng sợ nhất

09:25, 22/02/2015
|

(VnMedia) - Với trình độ kỹ thuật quân sự ngày một tân tiến của các cường quốc quân sự trên thế giới, nhiều loại vũ khí như robot chiến đấu, thiết bị nhìn xuyên tường, vũ khí laser… từng chỉ có trong trí tưởng tượng hay trên những bộ phim viễn tưởng đã và sẽ có mặt khắp các chiến trường khốc liệt trong tương lai.

Nhiều loại vũ khí “viễn tưởng” đó hiện đang được các nhà khoa học quân sự của nhiều quốc gia nghiên cứu và phát triển.

 

Sau đây là một số loại vũ khí tối thượng trong tương lai:

 

Đại bác "siêu hủy diệt"

 

Đây là vũ khí sử dụng năng lượng điện tử thay vì bột thuốc súng để phá hủy mục tiêu bằng động năng thay vì bằng chất nổ. Nó hoạt động bằng cách gửi đi những dòng điện tạo ra lực từ trường đủ mạnh để bắn đạn với tốc độ cao hơn so với những loại sử dụng thuốc súng. Tầm bắn của nó cũng đạt từ 320 km đến 400 km.

Ảnh minh họa


Khả năng này cho phép những con tàu bắn sâu vào lãnh thổ của quân địch trong khi vẫn có thể đậu ở nơi an toàn. Vì không cần thuốc súng nên những khẩu đại bác này an toàn hơn, không tốn diện tích vận chuyển. Hải quân Mỹ hiện đang thử nghiệm và hy vọng sẽ sử dụng nó vào năm 2018.

"Chiến binh" robot tự động

Đây là những cỗ xe robot đang được phát triển, có khả năng tìm kiếm và hủy diệt binh lính cũng như trang thiết bị của kẻ thù trên mặt đất hoặc trong không khí nhưng về mặt lý thuyết không gây nguy hiểm cho các lực lượng đồng minh.


Ảnh minh họa

   

Các máy tính cài đặt bên trong sẽ diễn giải dữ liệu cảm biến để xác định và nhằm tấn công các lực lượng thù địch bằng những vũ khí gắn liền chúng. Các robot có thể truy vấn những người điều khiển từ những vị trí ở xa về việc tiến tới nã hỏa lực. Trong khi đó, các lực lượng đồng minh có thể mang bộ thu giúp nhận diện họ là "bạn bè".

 

Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng có yếu điểm trong việc phân biệt nhanh chóng và chính xác giữa các thế lực thù địch với các bên hay đối tượng trung lập hoặc thân thiện, như dân thường, trâu bò, cây cối và máy kéo. Các hệ thống kết nối với những người điều khiển từ xa dễ bị trục trặc trong lúc liên lạc. Các robot bị hỏng có thể nã hỏa lực điên loạn vào bất cứ đối tượng nào.

 

Thiết bị dò tìm xuyên thấu

 

Năm 2010, quân đội Mỹ đã nghiên cứu thành công và ứng dụng một thiết bị cảm biến cầm tay nhìn xuyên tường cho chiến trường Afghanistan . Thiết bị này có thể phát hiện chất nổ được chôn giấu, quân địch bò dưới đường hầm hay nấp sau gốc cây. Nó tiêu hao ít năng lượng, sử dụng các sóng tần số vô tuyến siêu băng rộng để tái tạo lại hình ảnh của các vật thể bị gỗ, đá, gạch, bê tông hay bụi đất che lấp. Các thiết bị quét Eagle 5 này bao gồm phiên bản M và P.


Ảnh minh họa


Phiên bản M giống như một chiếc di động cỡ lớn nặng khoảng 1,6 kg, được thiết kế để phát hiện người và các chuyển động ở khoảng cách 6 m, thậm chí cả sau tấm bê tông dày 20 cm. Phiên bản P lớn hơn, nặng khoảng 2,7 kg, có thể nhìn thấu mặt đất, phát hiện người trong các đường hầm và chất nổ được chôn dưới độ sâu hơn 3 m.

   
Robot mang vác vượt mọi địa hình

 

Núi non hiểm trở gây khó khăn đối với binh lính, thậm chí cả khi họ không phải chiến đấu. Trung bình một người lính ở Iraq Afghanistan phải vác tới 50-60kg.

Ảnh minh họa


Để giải quyết vấn đề này, Mỹ đã tạo ra hệ thống hỗ trợ có chân (LS3) nhằm giúp mang những thiết bị chiến đấu ở những nơi địa hình mà xe cộ không thể di chuyển được. Nó có thể mang gần 20kg, đi được 32 km và mỗi lần có thể đi trong 24 giờ.

 

Laser diệt tên lửa

 

Hãng Boeing đã đưa ra vũ khí laser diệt tên lửa có tên Airborne Laser Testbed (ALTB). ALTB, sản phẩm hợp tác giữa Boeing cùng Northrop Grumman và Lockheed Martin. Được coi là thiết bị laser di động mạnh nhất trên thế giới hiện nay, nó có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo đang bay với vận tốc khoảng 6.500 km/giờ.

Ảnh minh họa


ALTB được mô tả là chùm laser có kích cỡ như quả bóng rổ, có thể đạt vận tốc 1070 triệu km/giờ, bước đầu được trang bị trên máy bay Boeing 747 cải tiến của Không quân Mỹ. Ngoài mẫu thiết kế vũ khí laser của Boeing, Tập đoàn Raytheon cũng đang tiến hành nghiên cứu nhằm “đa dạng hóa” loại vũ khí đặc biệt tối tân này.

   

Thiết bị vũ khí không gây sát thương

 

Ngay cả khi trong chiến tranh, có những tình huống không nhất thiết phải dùng vũ khí chết người. Và thiết bị điện XREP đã có mặt, nó có thể làm tê liệt một người mà không gây đau đớn ở khoảng cách 26 mét. Khi chạm tới mục tiêu, XREP làm tê liệt mục tiêu trong vòng 20 giây, đủ để người ta xác minh nạn nhân là bạn hay thù.

 

Ảnh minh họa


Ngoài ra, cũng có hệ thống vũ khí phi sát thương khác sử dụng các chùm vi sóng hoặc các chùm có bước sóng milimét để xua đuổi kẻ thù mà không gây sát thương. Hệ thống này đặc biệt phát huy tác dụng trong việc kiểm soát đám đông.

 

Một máy phát công suất lớn và một chiếc anten 2 m sẽ phát ra một chùm tia có tần số 95Ghz (3milimét). Trong 5 giây, các chùm tia này sẽ tác động lên bề mặt da chỉ dày 0,3 mm và gây đau đớn. Tác dụng nhanh chóng này sẽ khiến đối phương phải bỏ chạy mà không bị sát thương.

 

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn có khả năng gây chấn thương nặng nếu đối phương không nhanh chóng thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của các chùm tia khiến da bị bỏng nặng. Ngoài ra, vũ khí này còn có thể gây tác động tiêu cực đến các hệ thống máy móc khác một cách thụ động.


Bom E

 

Các sung vi ba năng lượng cao có thể phá hỏng máy tính, các đồ điện tử, nguồn điện và bằng cách đó vô hiệu hóa các hệ thống quân sự cũng như dân sự.

 

Ảnh minh họa

 

Bom E sẽ sinh ra một trường điện từ cực mạnh tăng đột ngột tạo ra sóng điện có khả năng đốt cháy các thiết bị điện, các chip bán dẫn. Quả bom cực mạnh có khả năng sinh ra các xung điện bao trùm một khu vực rộng lớn có thể tiêu diệt cả những máy bay không người lái tầm thấp.

 

Tuy nhiên, hiệu quả của loại vũ khí này còn phụ thuộc vào điều kiện địa hình. Ngoài ra, các xung điện do loại bom này tạo ra có thể phá hoại cả các loại vũ khí của chính quân “ta”.  


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc