(VnMedia) - Quân khu miền Tây của Nga vừa tiếp nhận một lô trực thăng vận tải quân sự Mi17V-5 mới tinh và dự kiến sẽ tiếp nhận thêm trong thời gian tới. Thông tin trên vừa được người đứng đầu văn phòng báo chí của quân khu - Thiếu tá Oleg Kochetkov tiết lộ với hãng tin Ria Novosti hồi cuối tuần qua.
“Khoảng 10 trực thăng vận tải quân sự Mi-8MTV-5 (hay còn được gọi là Mi-17V-5) đã được đưa vào biên chế một sư đoàn không quân thuộc Quân khu miền Tây , đồn trú tại khu vực Pskov”, ông Kochetkov nói với hãng tin RIA Novosti.
“Theo dự kiến, đến cuối tháng này, sư đoàn trên sẽ tiếp nhận một lô (trực thăng Mi17V-5) khác”, ông nói thêm.
Hiện, lực lượng phi công và lính phòng không của quân khu đang tham gia một khóa tập huấn để làm quen với loại trực thăng cải tiến được trang bị nhiều thiết bị mới này.
Vì trực thăng này được thiết kế để vận hành trong một loạt điều kiện môi trường và địa lý khác nhau, nên các phi công đã được huấn luyện trên mô hình bay, trong đó có việc cất cánh và hạ cánh trên các sân bay tạm thời, tàu sân bay và ở địa hình đồi núi.
Trực thăng Mi-17-V5 là phiên bản mới nhất của dòng trực thăng Mi-8 (Mi-17), dòng trực thăng gần đây được lọt vào danh sách Top 10 chiến đấu cơ phổ biến nhất năm 2015 do trang Flightglobal của Anh bình chọn. Về cơ bản, Mi-17 V5 có các tính năng giống như Mi-17 nhưng có thêm một số cải tiến.
Trực thăng Mi-17-V5 có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt, vận chuyển quân đội và hàng hóa, tìm kiếm-cứu nạn, tải thương. Thậm chí, khi cần thiết, Mi-17-V5 sẽ thực hiện vai trò của máy bay trực thăng tấn công yểm hộ hỏa lực mặt đất.
Dòng trực thăng này được phát triển bởi công ty Mil Moscow nay là một phần của tập đoàn hàng không vũ trụ OPK Oboronprom. Mi-17 là dòng trực thăng vận tải hai động cơ cỡ trung bình và cũng có thể lắp thêm vũ khí vào để thành trực thăng vũ trang hạng nặng. Mi-17 được sản xuất tại nhà máy chế tạo máy bay trực thăng Kazant vào năm 1975. Công tác sản xuất bắt đầu được thực hiện vào năm 1981. Mi-17 được phát triển trên cơ sở bộ khung của Mi-8, trực thăng được trang bị động cơ mới có công suất lớn hơn, khung máy bay được thiết kế cứng hơn để đáp ứng yêu cầu tăng tải trọng hàng hóa.
Dòng trực thăng Mi-17 cũng được đánh giá là có khả năng hoạt động tốt ở địa hình đối núi vì có độ bay vượt quá 15.000 feet. Mi-17 được trang bị 2 động cơ turboshaft TV3-117MT có khả năng chịu được điều kiện nhiệt độ nóng và độ cao lớn, động cơ mới có công suất 2.190 mã lực/chiếc. Cánh quạt của rotor chính được kéo dài hơn 21,5 mét so với 21,29 mét của Mi-8. Mi-17 được bổ sung thêm 2 lưới lọc không khí trước cửa hút không khí của động cơ.
Dòng trực thăng Mi-17 còn được mệnh danh là “ngựa thồ siêu hạng” vì trực thăng này có khả năng chở theo 30 binh lính, 4.000 kg hàng hóa bên trong khoang, lên tới 5.000 kg hàng hóa cả trong thân và các giá treo bên ngoài. Ngoài khả năng chở khối lượng hàng hóa “khủng”, Mi-17 còn được trang bị số lượng vũ khí không thua kém một trực thăng tấn công hạng nặng. 6 giá treo hai bên hông có thể mang theo tới 1.500 kg rocket, tên lửa chống tăng và bom các loại. Điểm mạnh của Mi-17 là độ tin cậy trong hoạt động rất cao. Đặc biệt, trực thăng này hoạt động rất tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt độ nóng ẩm và độ cao lớn.
Độ tin cậy của trực thăng Mi-17 giúp nó tiếp tục trở thành loại trực thăng phổ biến trên thế giới mặc dù nó đã được sản xuất từ lâu. Điều đó chứng minh rằng các ý tưởng mới nhất không nhất thiết là phổ biến nhất. Trực thăng Mi-8/17 được bàn giao cho lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đây cũng là loại trực thăng được lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ ưa chuộng. Nó đã được Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Nga tại nhà máy Hindustan Aeronautics Limited.
Trực thăng Mi-17 đã bắt đầu được sản xuất từ đầu thập niên 1960, từ đó đã trải qua nhiều lần hiện đại hóa, với hơn 17.000 chiếc được sản xuất tới nay. Theo Flightglobal, hiện 78 quốc gia trên thế giới đang vận hành ít nhất một biến thể của dòng trực thăng huyền thoại này, với tổng số 2.469 chiếc đang được biên chế hoạt động, trong đó, quân đội Nga sở hữu 518 chiếc.
Ý kiến bạn đọc