Ấn Độ "phũ phàng" với Pháp, "ngả" về phía Nga?

22:01, 13/01/2015
|

(VnMedia) - Ấn Độ chưa đưa ra được quyết định cuối cùng về việc liệu họ có mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hay không và coi chiến đấu cơ đa năng Su-30 , cụ thế là chiến đấu cơ Su-30MKI do Nga thiết kế là lựa chọn thay thế nếu thương vụ với tập đoàn máy bay Dassault của Pháp thất bại. Thông tin trên vừa được một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với hãng tin RIA Novosti hôm qua (12/1).
 
Nguồn tin trên cho biết: “Rõ ràng  thương vụ Rafale đang có những rắc rối nhưng hiện tại Bộ Quốc phòng chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này và mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, trong trường hợp thỏa thuận này đổ vỡ, thì dòng máy bay chiến đấu Su-30 của Nga có thể là lựa chọn thay thế”.

Ảnh minh họa
Chiến đấu cơ Su-30MKI

Trong khi đó, một số hãng truyền thông địa phương mấy ngày gần đây cho biết, Ấn Độ có thể hủy hợp đồng mua 126 chiến đấu cơ đa năng Rafale với công ty Dassault của Pháp và chọn dòng chiến đấu cơ S-30 của Pháp để thay thế. Theo cựu Tư lệnh Không lực Ấn Độ - ông Shashindra Pal Tyagi: “Không có vấn đề gì với Su-30 nhưng sẽ mất thời gian”.
 
Trong khi đó, cùng ngày, phát ngôn viên Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT) cho biết, việc mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI của Nga sẽ là lựa chọn có lợi nhất đối cho Ấn Độ cả về giá cả lẫn tính năng kỹ thuật.
 
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh rằng, Ấn Độ đã có mọi cơ sở hạ tầng hậu cần tại chỗ cho việc bảo dưỡng kỹ thuật máy bay chiến đấu Su-30MKI và máy bay này là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4++, có thể được sử dụng để huấn luyện phi công Ấn Độ điều khiển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tương lai.

Sukhoi Su-30 MKI là biến thế của dòng chiến đấu cơ Su-30, được sản xuất dưới sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ, (tên ký hiệu của NATO là Flanker-H). Su-30MKI là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4,5 hạng nặng, tầm xa và có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. 
 
Đây là sản phẩm hợp tác của Tập đoàn United Aircraft Corporation của Nga và Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ. Loại chiến đấu cơ này được thiết kế và chế tạo để dành riêng cho Không lực Ấn Độ theo một thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ phía Nga.
 
Việc phát triển Su-30MKI được bắt đầu vào năm 2000, khi Ấn Độ kí hợp đồng với Nga để mua 140 máy bay chiến đấu Su-30.
 
Chiếc Su-30MKI đầu tiên do Nga chế tạo được biên chế vào đơn vị của Không quân Ấn Độ vào năm 2002,trong khi chiếc Su-30MKI đầu tiên do Ấn Độ lắp ráp chế tạo được đưa vào biên chế của Không lực Ấn Độ vào năm 2004.
 
Những chiếc chiến đấu cơ này có phần khung và động cơ được chế tạo tại Nga, còn các linh kiện điện tử, hệ thống quản lí hàng do phía Ấn Độ đảm nhiệm. 
 
Đây là máy bay chiến đấu 2 phi công, tải trọng tối đa lên đến 38,8 tấn, trọng lượng không tải là 18,4 tấn, tốc độ tối đa là Mach 1,9 tương đương 2120km/h. Chiến đấu cơ này có cao độ 17.300 mét và có tầm hoạt động vào khoảng 3.000km khi ở độ cao tối đa, tầm hoạt động trung bình là 5000 km.
 
Chiến đấu cơ này có khả năng mang vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí do Ấn Độ tự chế tạo, ngoài ra, máy bay tiêm kích này còn có thể kết hợp với các hệ thống khác nhau của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Su-30MKI còn sử dụng các hệ thống phụ của Pháp và Israel. Su-30MKI được trang bị các loại vũ khí như đại bác 30mm với tốc độ 150 viên/phút. Bên cạnh đó là 12 điểm gắn vũ khí (một số chiếc có thể cải tiến lên 14) với khả năng mang được 8 tấn vũ khí bên ngoài bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất và nhiều loại bom khác nhau.
 
Hệ thống điện tử hàng không, đặc tính khí động học và các thành phần cấu tạo đều tương tự như Su-35, do vậySu-30MKI cũng thường được coi là một biến thể của Sukhoi Su-35 được đặt làm theo yêu cầu của Ấn Độ. Thay đổi lớn nhất của Su-30MKI so với các phiên bản trước là động cơ đẩy vecto và các cánh phụ phía mũi giúp di chuyển linh hoạt hơn. Ước tính mỗi chiếc Su-30MKI có trị giá lên tới 35,9 triệu USD.
 
Từ năm 2004 đến nay, Su-30 MKI đã tham gia nhiều cuộc diễn tập quốc tế giành quyền kiểm soát không phận. Và trong quá trình diễn tập, Su-30 MKI nhiều lầnthể hiện ưu thế vượt trội so với các máy bay hiện đại khác của Mỹ và NATO như: máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C và máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16C-D của Mỹ; máy bay chiến đấu Mirage của Pháp.
 
Trong cận chiến và tác chiến tầm trung, Su-30 MKI đã chiếm ưu thế tuyệt đối trước các máy bay Mỹ và NATO, đặc biệt là về khả năng theo dõi và phóng tên lửa tiêu diệt đa mục tiêu trong một thời điểm. Các máy bay chiến đấu hiện đại của Pháp cũng phải "ngả mũ" trước Su-30 MKI về khả năng đánh chặn tầm gần và tính năng của hệ thống tên lửa.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc