Tên lửa hạt nhân Ấn Độ có thể "bao phủ" 1/3 châu Á

10:56, 10/11/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Ấn Độ vừa tiến hành thành công một vụ thử tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung Agni-II từ một bệ phóng tên lửa ở Orissa. Tên lửa trên được phóng đi từ Đảo Wheeler ở quận Bhadrak trong một cuộc diễn tập thử nghiệm, tờ Thời báo Ấn Độ cho biết.


“Vụ thử tên lửa đất đối đất này được tiến hành trên một bệ phóng di động từ Thao trường Complex-4 (SFC) vào lúc 9h40 sáng”, các quan chức quốc phòng Ấn Đô cho hay.

 

Toàn bộ việc thử nghiệm được các nhân viên của SFC tiến hành và được các chuyên gia từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) giám sát.


Ảnh minh họa

 

Agni-II do Phòng thí nghiệm tiên tiến kết hợp với các phòng thí nghiệm của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển.


Đây là dòng tên lửa được đánh giá hiện đại nhất trong kho vũ khí của quân đội Ấn Độ hiện nay, cùng tên lửa Agni-I có tầm bắn 700km, tên lửa Agni-III có tầm bắn 3.500.

 

Agni-II có thể được phóng đi từ cả các bệ phóng cố định và từ các bệ phóng di động trên bộ hoặc trên đường ray xe lửa. Một vụ phóng tên lửa loại này cần thời gian chuẩn bị khoảng 15 phút.

 

Tên lửa Agni II tầm trung với tầm bay 2.000 km đã được đưa vào biên chế của quân đội Ấn Độ và là một trụ cột trong Kho vũ khí chiến lược của lực lượng răn đe hạt nhân nước này. Tên lửa dài 20 mét, nặng 17 tấn, trọng lượng đầu đạn khoảng 1 tấn và phạm vi có thể tăng lên 3.000 km nếu giảm tải trọng.

 

Tên lửa hai tầng đất đối không này được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến. Đường bay của tên lửa được theo dõi bằng radar, hệ thống quang điện tử và các trạm từ xa trên bờ biển.


Nó có thể phóng bằng bệ phóng di động cả trên đường sắt và đường bộ. Chỉ mất 15 phút để triển khai hệ thống phóng tên lửa.


Agni-II dài 20m, là loại tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn, trọng lượng phóng 17 tấn, có khả năng mang đầu đạn quy ước hoặc hạt nhân nặng một tấn, bay xa khoảng 2.000 km. Không chỉ được lắp đặt trên các xe vận tải như nguyên mẫu, Agni-II còn có thể vận chuyển bằng đường sắt và các hệ thống thiết bị phóng tổng hợp. Tầm bắn và khả năng cơ động của Agni-II giúp nó có phạm vi kiểm soát gần 1/3 diện tích châu Á.

 

Tên lửa Agni-II được thử nghiệm lần đầu vào tháng 4 - 1999. Tuy nhiên, trong hai vụ thử gần đây nhất vào tháng 5 và 11 - 2009, tên lửa này đã thất bại khi thay đổi quỹ đạo và rơi xuống nước.

 

Ấn Độ đang phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo mang tên vị thần lửa của họ là “Agni” với 5 phiên bản cùng các tầm bắn và mục tiêu khác nhau, trong đó Agni-II được coi là loại tên lửa tầm trung chủ lực của quân đội Ấn Độ.

 

Giám đốc Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) Avinash Chander từng cho hay, tên lửa Agni-I và Agni-II là để phòng thủ kẻ thù truyền thống Pakistan, còn phiên bản tầm xa hơn là để "răn đe" Trung Quốc.


Đặc biệt, khi Ấn Độ phát triển tên lửa Agni-V có tầm bắn trên 5.500km, theo các chuyên gia, nó đã đưa tiềm lực vũ khí, trang bị Ấn Độ lên một tầm cao mới. Tầm bắn của tên lửa Agni-V có thể bao trùm toàn bộ châu Á và một phần châu Âu. Đây là loại tên lửa có thể cơ động trên đường ray hoặc đường bộ, do đó đối phương khó có thể phát hiện.


Nhà nghiên cứu Topeckikanov, Trung tâm an ninh quốc tế, viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới, Viện Khoa học Nga cũng cho rằng, Ấn Độ phát triển lực lượng hạt nhân có mấy mục tiêu: Thứ nhất là đối phó với mối đe dọa hạt nhân, những mối đe dọa này không chỉ có nước láng giềng Pakistan, mà còn có Trung Quốc.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc