Trung - Nhật trong cuộc đua ngoại giao nước lớn

18:36, 07/04/2013
|

Sau khi hoàn thành việc chuyển giao quyền lực cả về Đảng lẫn chính quyền, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã xác định phương châm “ngoại giao nước lớn” với việc lấy quan hệ với các cường quốc làm trung tâm thay vì các nước láng giềng, trong bối cảnh quan hệ của cường quốc châu Á này với một số nước láng giềng trong khu vực có nhiều căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang âm thầm theo đuổi chính sách ngoại giao nước lớn của riêng mình.

Bằng chứng rõ nét cho chính sách này là chuyến công du Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình trung tuần tháng 3 vừa qua. Tại đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định hai nước là các đối tác chiến lược chủ chốt nhất và quan trọng nhất. Ông Tập Cận Bình nói rằng việc ông tới Nga trong chuyến thăm cấp nhà nước ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc là bằng chứng thể hiện sự quan tâm lớn mà Trung Quốc dành cho mối quan hệ với Nga. Điều này cũng cho thấy rõ cấp độ cao cũng như bản chất quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Theo ông, quan hệ Trung - Nga đã bước vào giai đoạn mới, khi hai nước có rất nhiều điểm chung và cơ hội lớn để cùng hợp tác, cả trong phát triển quan hệ song phương lẫn giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.

Chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe cũng lên kế hoạch cho các chuyến công du tới một loạt cường quốc. Dự kiến vào ngày 28.4 tới, ông Abe sẽ thăm Nga trong 3 ngày. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản sau 10 năm kể từ chuyến thăm Nga của ông Junichiro Koizumi vào tháng 1.2003. Nhiều vấn đề sẽ được đặt lên bàn hội đàm song phương Nhật - Nga, bao gồm cả vấn đề chủ quyền lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril) và vấn đề hợp tác khai thác năng lượng ở khu vực Viễn Đông. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera cũng có kế hoạch thăm Mỹ vào hạ tuần tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và tiến hành hội đàm với người đồng cấp Chuck Hagel. Dự kiến, hai bên sẽ trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề di chuyển quân Mỹ đóng ở căn cứ không quân Futenma tại Okinawa, đối sách trước những động thái của Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và xác nhận đẩy nhanh công tác sửa đổi “Phương châm Hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ”.

Bên cạnh cuộc đua “ngoại giao nước lớn” với Trung Quốc,  Nhật Bản cũng chú trọng tới các nước láng giềng của đối thủ. Mới đây nhất (đầu tháng 4) là chuyến thăm Mông Cổ hai ngày của Thủ tướng Abe. Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung căng thẳng, chuyến thăm này là một phần trong chiến lược của Nhật Bản nhằm bao vây Trung Quốc. Trước đó, đầu tháng Giêng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã đi thăm Myanmar. Không lâu sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đi thăm một số nước Đông Nam Á, khẳng định 5 nguyên tắc ngoại giao trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó nổi bật là mong muốn cùng các nước này bảo vệ quyền lợi biển và tự do hàng hải, hoan nghênh chính sách quay trở lại châu Á của Mỹ. Những nguyên tắc này tương hợp với quan niệm ngoại giao “vòng cung tự do phồn vinh” mà ông Abe đưa ra khi mới lên nắm quyền, mục đích không những là để nâng cao sức ảnh hưởng của Nhật Bản ở châu Á mà còn ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.

Quan hệ song phương giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã lao dốc mạnh sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba trong số năm đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái. Cuộc khủng hoảng ngoại giao đã khiến thương mại giữa hai nước láng giềng này giảm mạnh. Kim ngạch thương mại giảm từ mức 27,8 tỷ USD hồi tháng 8.2012 xuống còn 19,9 tỷ USD vào tháng 2.2013. Đã không có một cuộc gặp song phương cấp cao chính thức nào giữa chính phủ hai nước Nhật Bản và Trung Quốc 6 tháng qua.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc