Hôm nay, 2/4, đại diện 158 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giớái (WTO) chính thức bước vào các cuộc bàn thảo và bỏ phiếu để lọc danh sách ứng cử viên chức Tổng giám đốc, tìm người kế nhiệm ông Pascal Lamy, sẽ nghỉ hưu sau hai nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp vào tháng 9 tới. Đây hứa hẹn là một cuộc đua marathon gay cấn mà kết quả chung cuộc thường được quyết định sau cánh gà.
Các nhà quan sát tại Geneva nhận định, khác với mọi năm, cuộc đua năm nay có thể là cơ hội đối với các nền kinh tế mới nổi đang tìm kiếm tiếng nói có trọng lượng hơn trong các thể chế tài chính và thương mại đa phương. Hiện đã có 9 ứng cử viên tuyên bố tranh cử. Nhân vật đầu tiên là Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser. Tuy nhiên, hầu hết các nhà ngoại giao cho rằng, vị trí Tổng giám đốc WTO lần này nên được dành cho các nước đang phát triển. Hơn nữa, New Zealand cũng đã từng giữ vị trí này một lần trong lịch sử 17 năm của WTO.
Ứng cử viên thứ hai là cựu Bộ trưởng Thương mại Ghana Alan Kyerematen. Giới ngoại giao cho rằng, người thay thế ông Lamy nên là đại diện của châu Phi, Mỹ Latin hoặc Caribbe. Tuy nhiên, ông Kyerematen lại không được sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU). Ngoài ra, ông Kyerematen còn phải vượt qua đối thủ Amina Mohamed đến từ Kenya.
Một cái tên đang được nhắc đến khá nhiều là Đại sứ Brazil tại WTO, Roberto Azevedo. Điểm yếu của ông Azevedo là chưa từng giữ cương vị bộ trưởng (được xem là một điều kiện cần), nhưng ông Azevedo lại có được sự tín nhiệm. Tuy nhiên, Brazil thường bị chỉ trích là tách biệt nên ứng cử viên của họ sẽ khó nhận được sự ủng hộ của khu vực Mỹ Latin. Trong khi đó, Costa Rica và Mexico cũng đã đưa ra các đề cử của mình.
Các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cử cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Mari Pangestu, nước đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh WTO vào cuối năm nay. Đại diện thứ hai của châu Á là Taeho Bark đến từ Hàn Quốc.
Không giống như các tổ chức thành viên khác của Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi mà vị trí số một được chỉ định, các nước thành viên WTO sẽ tiến hành bầu chọn nhà lãnh đạo của mình dựa trên sự nhất trí chung, đồng nghĩa với việc bất cứ thành viên nào cũng có thể có cản trở tiến trình này. Trong tháng Giêng vừa qua, các ứng cử viên đã trình dự thảo cương lĩnh hành động của mình lên Hội đồng WTO và trả lời chất vấn của các nước thành viên. Từ thời điểm đó tới nay, họ đã tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử trên phạm vi toàn cầu. Trong ngày làm việc 2.4, Chủ tịch Hội đồng WTO, Đại sứ Pakistan Shahid Bashir, sẽ điều hành các cuộc họp với đại diện các nước để lựa chọn các ứng cử viên sáng giá nhất và rút gọn danh sách xuống còn 5 người. Quá trình sàng lọc sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 31.5 với hình thức tranh luận, chất vấn tay đôi và dự kiến còn lại 3 ứng cử viên vào vòng chung kết.
Ra đời năm 1995, mục tiêu của WTO là thúc đẩy các vòng đàm phán về thương mại toàn cầu thông qua khuyến khích mở cửa thị trường và dỡ bỏ các rào cản thương mại, gồm các hình thức trợ giá, đánh thuế cao và áp đặt các quy định hà khắc. Từ năm 2001, WTO đã khởi động vòng đàm phán Doha nhằm thiết lập hệ thống thương mại toàn cầu thúc đẩy sự phát triển tại các nước nghèo hơn. Nhưng tiến trình đã đình trệ do vấp phải nhiều rào cản từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tạm gác lại tham vọng toàn cầu hóa thương mại, nhiều nước chuyển sang mô hình kết nối thương mại song phương và khu vực, cụ thể như thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây dương giữa Mỹ và EU, hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương đang được bàn thảo giữa Mỹ, Canada, Chile, Australia, Malaysia, Singapore, Bruney, Peru, New Zealand, Mexico và Việt Nam. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia, cho rằng các thỏa thuận song phương và khu vực có thể tạo ra một “đĩa cơm rang thập cẩm” chồng chéo các quy định thương mại và đe dọa nền thương mại toàn cầu.
Nhiệm kỳ của ông Lamy tại WTO được đánh dấu bằng sự tham gia của Nga vào tổ chức này cùng với nhiều vụ tranh chấp, mà đáng kể nhất là vụ tranh cãi về vấn đề trợ cấp máy bay giữa hai tập đoàn Boeing và Airbus. Song, vấn đề khó khăn nổi cộm nhất hiện nay vẫn là việc các nước thành viên WTO chưa thể hoàn tất vòng đàm phán tự do hóa thương mại Doha, được khởi động tại Qatar. Cho dù ai là người kế nhiệm ông Lamy cũng phải tìm hướng cho những bước đi tiếp theo khi mà các thỏa thuận về tự do hóa thương mại đa phương đang bị lu mờ bởi các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương.
Ý kiến bạn đọc