Nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề từ những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mặc dù trước đó cường quốc kinh tế hàng đầu khu vực này tỏ ra có sức chống chịu tốt với những căng thẳng chính trị. Nếu xét về khía cạnh này, Hàn Quốc đang ở vào thế hạ phong trong cuộc chiến bất đối xứng.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ tuần trước đã cảm nhận được sức nóng với đợt trượt dốc bắt đầu từ thứ Hai và đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu ở mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Tuần trước, hãng Generals Motors cho biết đã lên kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho các công nhân ở nước này và nhấn mạnh căng thẳng lên cao có thể sẽ khiến họ xem xét chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, Thái Lan và Philippines tuyên bố đã xây dựng kế hoạch di tản khẩn cấp trong trường hợp có tình huống xấu.
“Trước đây, các căng thẳng liên quan đến Bắc Triều Tiên tác động rất ít hoặc thị trường sẽ hồi phục khá nhanh. Nhưng những đe dọa từ Bắc Triều Tiền lần này mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng của nó có thể sẽ không nhanh chóng biến mất”, Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho phát biểu trong cuộc gặp với các quan chức cao cấp tuần trước.
Tác động có thể sẽ còn lớn hơn nếu miền Bắc tiếp tục không cho công nhân và hàng hóa Hàn Quốc vào làm việc tại khu công nghiệp Kaesong. Đợt phong tỏa kéo dài nhất từ trước đến nay này đã khiến 123 nhà máy của Hàn Quốc ở đây cạn kiệt nguyên liệu, ít nhất 4 nhà máy tạm ngừng sản xuất. Khu công nghiệp Kaesong đã tồn tại bất chấp hàng chục lần căng thẳng liên Triều leo thang, và theo các quan chức Hàn Quốc, đó là chỉ dấu cho thấy ngôn ngữ hiếu chiến của miền Bắc không mấy khi đi cùng hành động trên thực tế. Tuy vậy, việc đóng cửa khu công nghiệp sẽ làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư.
Những diễn biến này đến đúng vào lúc Hàn Quốc và Mỹ đang tham gia vào trò chơi cân bằng tế nhị. Một mặt, hai nước tìm cách chứng tỏ cho nhà lãnh đạo trẻ của CHDCND Triều Tiên thấy họ sẽ không chịu nhún trước hành động gây leo thang căng thẳng – vốn thường xảy ra trước kia khi Bình Nhưỡng đe dọa còn Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh đề nghị đàm phán hoặc viện trợ để làm dịu tình hình. Mặt khác, hai nước cũng không muốn tình hình phức tạp đến mức có thể dẫn đến đối đầu quân sự hoặc ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc.
Phần lớn người Hàn Quốc lớn lên và quen với những đe dọa của miền Bắc, nhưng vẫn lo ngại bất cứ cuộc đối đầu kéo dài nào cũng sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu hóa cao độ của họ, trong khi miền Bắc chẳng có gì để mất. Thomas L. Coyner, thành viên Phòng Thương mại Mỹ tại Hàn Quốc, nói Bình Nhưỡng sử dụng cuộc chiến tranh tuyên truyền để tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc và xét trên khía cạnh này, họ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh phi đối xứng đánh thẳng vào sức mạnh kinh tế của đối phương. Còn John Delury, một giảng viên Mỹ dạy tại Đại học Yonsei, Seoul, thì cho rằng tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng đặt ra “thách thức nghiêm trọng” cho Tổng thống Park Geun-hye, người đã được bầu lên nhờ lời hứa tăng cường phát triển kinh tế và xây dựng lòng tin với miền Bắc. Các nhà phân tích và ngoại giao đều tin rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ dám thực hiện những lời đe dọa đáng sợ nhất của họ - tấn công phủ đầu Mỹ và Hàn Quốc, nhưng ông John Delury nhận xét các cuộc báo động liên tiếp diễn ra gần đây cũng có thể gây ra vấn đề.
Kinh tế Hàn Quốc đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chứng tỏ khả năng chống chịu tốt với suy thoái. Thế nhưng, tình hình căng thẳng hiện nay đã tạo ra cho nước này thêm một thách thức vào thời điểm không thích hợp. Năm 2011, tăng trưởng của Hàn Quốc rơi xuống chỉ còn 3,6% từ mức 6,2% năm trước và tiếp tục duy trì mức thấp này vào năm ngoái. Seoul mới đây đã hạ dự kiến tăng trưởng từ 3% xuống còn 2,3% cho năm nay.
Trong một báo cáo đưa ra cuối tuần trước, bộ phận nghiên cứu của Citigroup nói ngoại trừ sự bùng nổ một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, chính sách bên miệng hố chiến tranh của CHDCND Triều Tiên sẽ không tác động đến nền tảng của kinh tế Hàn Quốc nhưng cảnh báo về nguy cơ cao của chính sách phiêu lưu quân sự hay tính toán sai lầm của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Han Beom-ho, một chuyên gia phân tích của hãng tư vấn Shinhan Investment cũng cho rằng thị trường có xu hướng bỏ qua các đe dọa của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng ông cho biết lần này, các mục tiêu của Bình Nhưỡng đã mở rộng hơn và cộng đồng quốc tế tỏ ra nhạy cảm hơn với tình hình, nhất là sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, còn Mỹ có kế hoạch triển khai thêm tên lửa đánh chặn đến khu vực.
Ý kiến bạn đọc