Cuộc chiến tại Iraq đã kết thúc nhưng không phải Mỹ, cũng không phải Chính phủ Iraq giành chiến thắng. Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là cộng đồng người Kurd với một vai trò chính trị lớn hơn và một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Xung đột giữa cộng đồng người Kurd ở miền Bắc với chính quyền trung ương Baghdad đã trải qua nhiều giai đoạn. Trong suốt thế kỷ XX, người Kurd đã không ngừng đấu tranh đòi quyền tự quyết, đòi được đối xử công bằng và được công nhận lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa của riêng mình nhưng đều thu lại ít kết quả. Tuy nhiên, năm 2003 đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới đối với cộng đồng người Kurd sau một thế kỷ nằm dưới sự o bế của Chính quyền trung ương Iraq, đặc biệt là dưới thời cựu Tổng thống Saddam Husein. Ngoài sự phong tỏa của cộng đồng quốc tế đối với toàn bộ Iraq, người Kurd còn bị chính quyền Saddam đàn áp trong suốt 12 năm. Năm 1991, người Kurd đã tự giải phóng khỏi sự kìm kẹp của chế độ Hussein sau sự kiện được gọi là “Mùa xuân Kurdistan”. Các đảng người Kurd, đặc biệt là đảng Dân chủ Kurdistan (KDP) của ông Massoud Barzani, người hiện đứng đầu Chính phủ khu vực tự trị của người Kurd, và đảng Liên minh Ái quốc Kurdistan của đương kim Tổng thống Jalal Talabani, đã tiến hành cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên trong lịch sử của người Kurd. Kết quả là người Kurd đã thành lập Quốc hội và một hệ thống chính quyền của riêng mình.
Bất chấp những chia rẽ nội bộ và tranh chấp trong những năm 1990, đặc biệt là giữa đảng của ông Barzani và Talabani xung quanh chiếc ghế Tổng thống của khu vực tự trị, cũng như việc bị cô lập với thế giới bên ngoài trong khoảng thời gian trước cuộc chiến xâm lược của Mỹ, người Kurd đã có thể tự tổ chức các công việc hành chính và quản lý khu vực này nhờ các nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, chủ yếu là dầu mỏ. Sự sụp đổ của Chính quyền Hussein cùng với sự ra đời của một chính quyền mới ở Iraq đã trở thành cơ hội lịch sử đối với người Kurd và họ đã không bỏ lỡ cơ hội này. Dù vẫn còn một số vấn đề tranh chấp với chính quyền trung ương hiện nay ở Baghdad, người Kurd đã trở thành một đối tác có ảnh hưởng tham gia tích cực vào tiến trình chính trị trong nước.
Sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc ở Iraq được thành lập, ông Talabani đã được bầu làm Tổng thống. Còn ông Hoshyar Zebari, một thành viên trong đảng KDP của ông Barzani đã nắm giữ chức Ngoại trưởng, một trong những chiếc ghế quyền lực nhất trong chính phủ Iraq kể từ 8 năm qua. Ngoài ra, người Kurd cũng đang nắm giữ một số ghế khác trong Nội các. Khu vực người Kurd được hưởng quy chế tự trị và bản Hiến pháp hiện hành trao cho người Kurd rất nhiều quyền như quyền giảng dạy tiếng Kurd bên cạnh tiếng Ả rập trong các cơ sở giáo dục và trường học. Bên cạnh đó, họ cũng được thành lập lực lượng cảnh sát riêng để bảo đảm an ninh tại khu vực Kurdistan.
Trong lĩnh vực văn hóa, việc Erbil, thủ phủ của khu vực Kurdistan, được bầu làm Thủ đô du lịch Ả rập năm 2014 là một trong những sự kiện trọng đại nhất đối với cộng đồng người Kurd suốt 10 năm qua. Khu vực Kurdistan cũng trở thành điểm đến của hàng triệu khách du lịch trong nước và các nước Ả rập lân cận.
Về kinh tế, Kurdistan đã đạt được tăng trưởng cao với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ chính trị, kinh tế và văn hóa của Iraq. Kết quả này đạt được nhờ việc người Kurd đã được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của mình, đồng thời cũng nhờ tình hình chính trị và an ninh ổn định, trái ngược với tình trạng bất ổn và các cuộc tấn công khủng bố ở các thành phố khác của Iraq. Người Kurd đã ký kết khoảng 50 thỏa thuận khai thác dầu khí với các tập đoàn quốc tế như Exxon Mobil, Total và Chevron. Dầu mỏ từng là nguồn gốc dẫn đến bất ổn ở khu vực Kurdistan nhưng giờ đây đã trở thành nền tảng giúp khu vực nâng cao vị thế trước chính phủ liên bang.
Tranh chấp giữa Baghdad và Erbil hiện nay chủ yếu xuất phát từ việc Chính phủ Iraq không công nhận các hợp đồng dầu mỏ mà Erbil đã ký kết với các đối tác nước ngoài, trong khi đó, người Kurd lại cho rằng họ có quyền này theo quy định của Hiến pháp năm 2005. Theo các số liệu thống kê của Tổng cục đầu tư Iraq, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư 24,5 tỷ USD vào 521 dự án tại 3 thành phố Erbil, Sulaymaniyah và Dohuk trong khoảng thời gian từ tháng 8.2001 đến tháng 2.2013. Chính phủ Kurdistan bắt đầu cấp phép đầu tư sau khi Luật Đầu tư năm 2006 chính thức có hiệu lực. Theo các số liệu mới nhất của Chính phủ Iraq, hiện có tới 2.400 công ty nước ngoài đăng ký kinh doanh tại khu vực này. Ngành xây dựng đang phát triển mạnh mẽ với 8.500 khu vực dân cư mới, ngoài một lượng lớn dự án xây dựng trong các lĩnh vực du lịch, y tế, công nghiệp, nông nghiệp và tài chính.
Ý kiến bạn đọc