Santa Muerte "Trinh nữ Thần chết" của giới tội phạm

07:09, 29/03/2013
|

Cuối tháng 2/2013, FBI đã cho xuất bản một tuyển tập về việc sùng bái Thần chết Santa Muerte trong mọi giai tầng ở Mexico và đang lan ra các nước trong khu vực. Thực tế nhiều năm qua, những nghi lễ quái dị thờ cúng nữ Thần chết này đang theo những di dân, và những kẻ buôn lậu ma túy lan rộng thâm nhập vào nhiều quốc gia châu Mỹ rồi bén rễ mạnh mẽ trên vùng đất màu mỡ này. Nó có sức hút mạnh tới những người có hoàn cảnh khó khăn với những mục tiêu vô vọng, từ những tội phạm cấp thấp như trộm cắp vặt, lừa đảo, móc túi hay gái điếm… hay đến cả những băng đảng tội phạm lớn.

Santa Muerte trở thành nỗi ám ảnh về những tội ác bị thần thánh hóa và khoái cảm giết người, tạo nên vô số hệ lụy xuyên biên giới, đó là sự gia tăng nhanh chóng những băng đảng ma túy liên quan tới nhiều vụ thảm sát hàng loạt vì niềm tin vào sự cứu rỗi tuyệt đối của Thần chết.

Trên thực tế, bàn thờ với máu người và những bộ phận cơ thể thờ cúng được tìm thấy trong nhà chứa ma túy cùng những tấm thẻ cầu nguyện là chuyện thường thấy. Những kẻ cuồng tín đã siêu nhiên hóa hiện thân của cái chết, nhằm tạo ra một thứ ảo giác tâm linh về sự cứu rỗi linh hồn con người. Điều đó dấy nên mối lo ngại đáng báo động về một thứ văn hóa ma quỷ đang lây lan và ăn mòn dần đạo đức…

Sùng bái kỳ dị

Không một ai biết chính xác xuất xứ của Santa Muerte. Một số tín đồ cho rằng bà là hóa thân nữ thần chết của dân Aztec, cai quản cõi âm ti. Các học giả cho rằng, bà xuất thân từ nước Tây Ban Nha thời trung cổ qua hình ảnh của nữ thần chết La Parca. Tuy nhiên, đa số người Mexico tin vào quan niệm bà là một sản phẩm của sự pha trộn nhiều nền văn hóa trong lịch sử cổ đại. Vào thời đó, tà giáo và Công giáo đã tạo ra một "đứa con lai" - sản phẩm phi thường của tôn giáo đương đại cùng sự tôn thờ những cái cao siêu.

Tượng Santa Muerte là một người đàn bà mặc chiếc áo nữ tu, tay cầm lưỡi hái của tử thần. Trong một số hình tượng khác về Santa Muerte, bà lại xuất hiện với hình ảnh một  cái cân.  Các bức tượng của nữ Thần chết thường có màu rất đặc biệt: trắng, đỏ, vàng, xanh và đen. Màu trắng tượng trưng cho sức khỏe hay chữa bệnh; màu đỏ tượng trưng cho tình yêu; màu vàng dành cho quyền lực và sự ổn định của kinh tế, màu xanh dành cho may mắn và màu đen là sự bảo vệ khỏi những ma thuật đen tối hay sự trả thù. Nhiều học sinh còn đeo sợi dây gắn hình Santa Muerte màu xanh quanh cổ bởi màu xanh cũng tượng trưng cho hoài bão và thành công trong học hành.

Theo thời gian, truyền thuyết về bà ngày càng lan rộng và mạnh mẽ hơn. Các tín đồ cho rằng nữ Thần chết giúp họ đáp ứng được mọi điều cầu xin, từ che chở tránh khỏi tai ương đến giúp đỡ phục thù, từ bảo vệ để không bị người yêu lừa dối đến giúp cho kiếm được việc làm khá hơn. Đôi khi còn được biết đến như là "Seíora de la Noche" (Quý bà của bóng đêm), Santa Muerte bảo vệ những người làm việc về ban đêm. Trong khi đó, nhiều người khác cần đến bà để bảo vệ cho việc... buôn lậu ma túy được suôn sẻ, kể cả che chở để khỏi bị cảnh sát bắt (!)

Sự gia tăng nhanh chóng việc tôn thờ Thần chết Santa Muerte là một hiện tượng tự nhiên ở Mexico, với phần lớn người dân vẫn sống trong cảnh nghèo khổ và bất mãn với chính quyền đang chịu sự chi phối của những gia đình tư bản giàu có cùng một số cường quốc trên thế giới. Những tầng lớp cùng khổ trong xã hội đã tạo nên những phong tục tôn sùng thần linh kỳ quái, không hề được thừa nhận ở bất cứ nơi đâu và duy trì thứ suy nghĩ duy tâm để cuối cùng trở thành những sát nhân trong các băng nhóm buôn lậu ma túy xuyên biên giới. Họ tin rằng "Trinh nữ Thần chết" đem tới động lực để giải tỏa mọi vấn đề thông qua tra tấn, cưỡng hiếp và lấy đi mạng sống bằng những thủ đoạn rợn người nhất. Phần lớn những tín đồ Santa Muerte không thể tách rời bản năng sát nhân với những ý niệm về cái chết mà họ tin rằng bản thân họ là những người được giao phó trách nhiệm.

Tư tưởng Santa Muerte đã và đang phát triển ở Mexico trong suốt gần một thế kỷ qua, cùng với những làn sóng du nhập vào các quốc gia châu Mỹ lân cận. Andrew Chesnut, giáo sư của Khoa Nghiên cứu Công giáo tại Đại học liên bang Virginia, cho rằng bà ta có sức hút lớn tới nước Mỹ và là "người đa nhiệm" bởi thực tế những người sùng bái có thể xin bà ta bất kỳ điều gì, thậm chí là cái chết.

Santa Muerte trở thành nỗi ám ảnh về những tội ác bị thần thánh hóa và khoái cảm giết người, tạo nên vô số hệ lụy tiêu cực xuyên biên giới sau khi dần lan tới nước Mỹ khiến số lượng các vụ án mạng tăng lên một cách đột biến. Những nghi lễ thờ cúng kỳ quái trở thành màn chắn cho các vụ buôn lậu thuốc phiện cuối những năm 80 và đầu những năm 90 thế kỷ XX. Đa phần những kẻ mộ đạo lấy quan điểm về cái chết để giải phóng cuộc đời cực đoan và bị chôn vùi của họ, bởi lẽ Santa Muerte là "linh hồn cứu rỗi cuối cùng" khi họ đang tuyệt vọng. Người ta cho rằng thờ cúng Thần chết là một dạng ám ảnh tâm thần, siêu nhiên hóa hiện thân của cái chết, nhằm tạo ra một thứ ảo giác tâm linh về sự cứu rỗi linh hồn con người.

Biểu tượng của tội ác

Mặc bất cứ lý do gì là căn nguyên cho việc ngày càng phổ biến sự sùng bái, vẫn có những nhân tố kinh tế không thể bỏ qua. Từ những bức tượng nhỏ và nến để cúng được sản xuất số lượng lớn cho đến trào lưu xăm hình biểu tượng Santa Muerte trên người, hình ảnh của bà ta bắt đầu mang đến lợi nhuận lớn. Ở Mexico và một vài thành phố lớn của Mỹ, thẻ cầu nguyện và nến cúng tăng lên chóng mặt và đang cạnh tranh với giá của hàng hóa về  Chúa Jesus và Đức Mẹ đồng trinh ở một vài vùng lân cận.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Santa Muerte trở thành mục tiêu thờ cúng của tội phạm và bọn buôn ma túy. Với niềm tin bà là một "vị thánh trinh nữ trong tôn giáo của tội phạm", những băng đảng phạm tội tổ chức các lễ hiến tế bằng máu người. Chúng bắt cóc nạn nhân, lấy máu rải xung quanh bức tượng Santa Muerte dưới ánh nến vào ban đêm. Thứ nghi lễ quái đản tẩy chay hoa quả, thuốc lá và thịt thú rừng, trở về với nguyên thủy và tính chất man rợ với những chiếc đầu người được đem hiến tế, dâng hiến những linh hồn thuần khiết nhất nhằm cầu xin sự cứu rỗi của bậc thánh thần.

Số khác thành lập những băng nhóm dựa vào thứ ý thức duy tâm liên quan tới cái chết và sự cứu rỗi, lấy buôn bán cần sa làm thú vui để tìm khoái cảm trong cuộc sống, nhưng cuối cùng vẫn phải chết trong tay những tên trùm tàn bạo. Đây được coi là một hình thức chà đạp nhân quyền con người, làm biến dạng yếu tố tâm linh cơ bản trong phong tục thờ cúng Santa Muerte. Chính Thần chết đã truyền cảm hứng cho bọn tội phạm tiêu diệt kẻ thù để tránh nguy hiểm, tạo nên danh tiếng giang hồ và hưởng thụ cuộc sống vương giả nhờ ma túy cùng gái đẹp, bất chấp pháp luật và đạo đức con người. Ngay cả khi đối diện cái chết, đó cũng là vinh quang và mang ý nghĩ tối thượng trong niềm tin được Santa Muerte bảo hộ vĩnh viễn.

Los Zetas và Sinaloa có lẽ là cái tên nổi danh nhất về độ man rợ trong các vụ án mạng liên quan tới Thần chết Santa Muerte. Vốn là hai băng đảng ma túy khét tiếng nhất nhì Mexico, các đệ tử của "nàng tiên nâu" lại nghiện tôn thờ thần Santa Muerte để hoạt động buôn bán được xuôi chèo mát mái. Thành viên của Los Zetas dùng hình xăm nữ thần chết trên cánh tay hay ngực làm ám hiệu nhận biết riêng. Liên tiếp trong 3 năm từ 2010 đến 2012, cảnh sát phát hiện thi thể các nạn nhân với chữ cái Z được khắc trên ngực và đầu, trong khi đó tim và não bị cắt bỏ hoàn toàn.

Thậm chí nhóm tà giáo này còn lột sạch một bộ xương người, mặc váy cưới và đặt trước một chiếc bàn thờ có tượng của Santa Muerte để cúng tế bên cạnh hai chiếc đầu lâu. Băng đảng Sinaloa cũng khát máu không kém và "cuồng" sắc đẹp vô hình của Thần chết tới mức đào tạo ra những cỗ máy giết người chuyên cướp trinh tiết của phụ nữ, phanh thây xác trẻ em và cúng tế bằng máu tươi nhằm giành lấy đặc ân được bảo vệ bằng ma thuật từ một bức tượng Thần chết vô hồn.

Những cuộc tàn sát của thành viên tôn thờ Santa Muerte ám chỉ sự gia tăng không thể kiểm soát của bạo lực kinh dị ở Mexico, chủ yếu xuất phát từ những lệch lạc trong suy nghĩ và ám ảnh tinh thần. Báo cáo điều tra mới đây về vụ thảm sát ở bang Sinaloa cho thấy xuất hiện những hình xăm và trang sức có hình Santa Muerte của 50 nạn nhân nghi ngờ chết vì các nghi lễ tế thần.

 Quả không sai nếu thừa nhận những giáo phái Santa Muerte là những diễn viên chuyên đóng phim kinh dị hạng nặng mà không một khán giả nào muốn thưởng thức. Những vụ án mạng kinh hoàng do các thành viên mộ đạo tiến hành chịu sự chi phối mạnh mẽ của nghi thức tế lễ khi da, tim và não của nạn nhân đều bị lấy ra khỏi cơ thể. Một số nạn nhân bị tra tấn và  bị chặt đầu khi còn sống, bị thiêu trên giàn lửa cho tới chết hoặc chịu đau đớn bằng hình thức mổ xẻ dần dần cơ thể và phanh thây. Giới điều tra cho biết đây là những hành vi thuộc một dạng ám thị tâm lý, cũng xuất phát từ niềm tin vào nghi lễ cúng tế người thời nguyên thủy để cầu xin sức mạnh.

Quân đội Mexico và nhà thờ Công giáo coi đây chẳng khác nào những tà giáo ma quái, trở thành rào cản cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình tội phạm đang gia tăng đột biến. Dù không phải là một loại tôn giáo chính thống, nhiều kẻ mộ đạo tự xưng là những thánh tăng và tu sĩ, tự xây dựng các nhà thờ Santa Muerte để thực hiện những nghi thức khác lạ. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội Vụ Mexico cho biết, chính quyền đang xem xét việc đóng cửa giáo phái này vì những trò ma thuật, vì việc đăng ký gian dối và những hoạt động bất hợp pháp khác.

Rõ ràng, người dân Mexico bắt đầu "nổi da gà" trước những thủ đoạn nguy hiểm khi bị chiêu dụ trở thành tín đồ của Santa Muerte. Họ bị bắt gia nhập vào giáo phái này và quỳ lạy trước một pho tượng thần chết với chiếc lưỡi hái tử thần. Những pho tượng này trước đây chỉ thấy sau những cánh cửa đóng kín hay tại các miếu cô hồn được dựng bất hợp pháp trên đường phố. Nay thì những pho tượng này được trang trọng thờ lạy nơi các thánh đường của giáo phái này lẫn tại các tư gia chung với ảnh Chúa Jesus và Đức Mẹ.

Nhiều người bị ép phải "chuộc" tượng Thần chết với giá lên tới 200 USD để mang về nhà thờ kính trên bàn thờ. Số khác, sau khi được "tẩy não", lúc nào cũng chạy tới nhà thờ làm lễ để tỏ lòng tôn kính với nữ thần. Đáng sợ hơn, người ta bán những bức tượng Pieta nổi tiếng của Michelangelo nhưng thay vì Đức Mẹ ôm xác Chúa thì lại là hình ảnh Thần chết ôm xác Chúa, tạo nên những nỗi sợ tiềm tàng về một thứ văn hóa ma quỷ đang lây lan và ăn mòn dần đạo đức của con người…


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc