Vị chỉ huy Lữ đoàn Những con sói (Wolves) là Brig Bill Sowry (người Australia) chỉ huy, đến nay vẫn còn sống. Ngày 12/3 vừa qua, ông đã cùng một số thành viên trong nhóm điệp viên đặc biệt 17 người năm nào, đến căng cờ và tưởng niệm những đồng đội đã mất tại ngôi biệt thự ở làng Verneix.
Sau khi bị Gestapo truy nã gắt gao, cả nhóm chỉ còn lại 7 người trốn thoát được, nay 6 người còn sống, riêng nữ điệp viên Nancy Wake - nổi danh với biệt hiệu "Chuột trắng" (White mouse) đã qua đời vào năm 2011 vì bệnh, hưởng thọ 98 tuổi. Vậy "Chuột trắng" là ai mà câu chuyện ly kỳ của bà đã được viết thành sách và chuyển thể thành kịch bản phim nổi tiếng thế giới.
Đúng vào ngày 12/3 của 68 năm về trước, Nancy Wake là một nữ điệp viên tài ba người Australia trong lực lượng an ninh đặc biệt của đồng minh chống phát xít Đức, chẳng may bị các thành viên mật vụ Gestapo bắt giữ. Với lòng dũng cảm và mưu trí của mình, cuối cùng Wake đã đào thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù tàn bạo.
Theo đồng đội của Wake kể lại, vì những chiến tích của mình, Wake đã bị Gestapo đưa lên hàng đầu trong danh sách 20 điệp viên phe đồng minh bị truy nã. Điều này có nghĩa là, nếu chẳng may bị Gestapo bắt giữ, Wake chỉ có con đường chết.
Ở một khía cạnh nào đó, Wake là nỗi khiếp sợ của bọn lính SS và Gestapo của Đức Quốc xã. Vì bà rất nhanh nhẹn, thường thoắt ẩn thoắt hiện, luôn mưu trí thoát khỏi những vụ bố ráp của Gestapo một cách tài tình nên bọn chúng đặt cho bà biệt hiệu "Chuột trắng".
Bà còn có thêm biệt hiệu "Kẻ tàn bạo" (saboteur) vì chuyên tổ chức các vụ ám sát những tên SS và Gestapo bằng dao nhọn. Theo bà, phải tàn bạo như thế để trả thù cho hàng chục triệu người Do Thái đã bị Gestapo lùa vào những lò hơi ngạt chết một cách đau đớn.
Sinh ra ở New Zealand nhưng Wake lớn lên tại Australia. Trước đây, Wake làm phóng viên chiến trường sau khi tốt nghiệp Trường đại học Báo chí London. Wake làm cho tờ Chicago Tribune, phụ trách mảng tường thuật về những hoạt động của Hitler. Sau khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, ngay sau đó, Wake nhập ngũ, hoàn thành các khóa tốt nghiệp đặc biệt về tình báo dân sự và quân đội tại bang Queenland (Australia).
Nhờ có năng khiếu về tình báo, Wake được chuyển qua lĩnh vực an ninh. Đến năm 1940, Wake với vỏ bọc nhà báo nhưng bắt đầu hoạt động tình báo ở miền Trung nước Pháp trong bối cảnh phát xít Đức đã chiếm đóng gần như toàn nước Pháp, chủ yếu hoạt động tình báo tại làng Verneix.
Nhóm điệp viên của Wake có 17 người Pháp, Australia, Mỹ, gồm 12 nam, 5 nữ, sống chủ yếu tại một lâu đài nhỏ bỏ hoang. Để bảo vệ mình khỏi tai mắt của lính SS và Gestapo, nhóm tự đào những căn hầm ngầm ngay dưới nền ngôi biệt thự và xung quanh nhà, có các lỗ ngách thông từ hầm này qua hầm khác để phòng chuyện bất trắc.
Vào tháng 4/1944, trong khi thâm nhập vào một sân bay gồm toàn những chiến đấu cơ của Đức Quốc xã đang đậu, với mục đích điều tra về bí mật của loại vũ khí mới này, Wake đã bị Gestapo bắt giữ.
Vốn là một người nhanh nhẹn và mưu trí, trong khi bị giam giữ, Wake đã nhanh chóng quật ngã hai tên Gestapo đang canh chừng và trốn thoát. Đến ngày 12/3/1945, chỉ còn vài tháng trước khi Đức Quốc xã đầu hàng phe đồng minh, tại ngôi biệt thự ở làng Verneix, Wake lại bị Gestapo bắt. Lần này chúng canh giữ bà nghiêm ngặt hơn.
Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, bà quyết định giả vờ đầu hàng để được chúng dẫn về căn cứ địa của Gestapo tại miền Trung nước Pháp. Trên đường bị dẫn giải, Wake đã dũng cảm lừa thế tấn công 3 tên Gestapo, cuối cùng trốn thoát được sau khi đã hạ sát được kẻ thù.
"Hôm nay chúng ta đến đây kính cẩn nghiêng mình trước những đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn" - cựu Chỉ huy trưởng Sowry rưng rưng nói - "Chúng ta vô cùng tiếc thương nữ đồng đội Wake đã dũng cảm, mưu lược giúp nhiều người thoát khỏi sự truy bức của phát xít Đức. Không những thế, Wake còn khiến cho những người Do Thái chết oan ngậm cười nơi chín suối. Cuộc chiến đấu anh dũng và hiệu quả của chúng ta đã góp phần đưa đến chiến thắng oanh liệt của phe Đồng minh vào năm 1945, kết thúc sự thống trị của phát xít Đức tàn bạo”.
Chồng của Wake là Henri Fiocca - một doanh nhân người Pháp, đã bị Gestapo bắn chết vào năm 1943 sau khi bị bắt, bị tra vấn về tung tích của vợ nhưng Henri không khai ra. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Wake trở lại quê hương Australia vào năm 1949, thất bại vài lần khi ra tranh cử vào Quốc hội Australia. Năm 1957, bà trở lại Anh, tái hôn với một phi công chiến đấu cơ RAF tên là John Forward.
Chuyện đời ly kỳ và đầy bi kịch của Wake đã được nhà văn Sebastian Faulks viết thành cuốn tiểu thuyết “Charlotte Gray” vào năm 1999 và đến năm 2001, sách được chuyển thể thành kịch bản phim, nữ diễn viên gạo cội Cate Blanchett đóng vai chính, trở thành phim hay nhất trong năm.
Ý kiến bạn đọc