Người con nuôi bí ẩn của vị lãnh tụ tối cao

12:09, 01/07/2012
|

Ác-chi-om Xéc-gê-ép là con trai độc nhất của nhà cách mạng Phê-đô Xéc-gê-ép. Năm 1921, Phê-đô hy sinh khi thực thi nhiệm vụ, cậu con trai Ác-chi-om đang trong bụng mẹ về sau được gia đình Xta-lin đưa về nuôi dưỡng.

Lớn lên, Ác-chi-om cùng người con trai thứ hai của Xta-lin là Va-xi-li vào học trường quân sự. Suốt đời ông giấu kín việc mình là con nuôi Xta-lin. Ông cho rằng nhờ đó mà ông được sống yên ổn cho tới ngày nghỉ hưu với hàm Trung tướng.

Tìm hiểu về câu chuyện “kín tiếng” này, tờ “Tin nhanh” của Liên bang Nga đã được vị Trung tướng 87 tuổi trả lời nhiều chi tiết thú vị.

Không bao giờ “lộ diện” là con nuôi của vị lãnh tụ tối cao

Trong ngôi nhà vườn nhỏ nhưng thoáng đãng, ông già vẻ mặt phúc hậu, hiền từ nhưng còn phong độ ở tuổi 87 giới thiệu với khách:

- Đây là nơi trước đây một cán bộ ngành đường sắt lập trang trại chăn nuôi. Mẹ tôi đã mua lại với giá 5 nghìn rúp cách nay khá lâu. Tôi cảm thấy nơi đây thật tuyệt vời, tránh được sự ồn ào, náo nhiệt nơi phố phường,…

- Thưa ông, vì sao cho tới nay hầu như không ai biết gì về ông là con nuôi của lãnh tụ Xta-lin?

- Thật đơn giản thôi, vì tôi chưa bao giờ kể với ai rằng tôi là con nuôi Xta-lin, rằng tôi được gia đình Xta-lin nuôi dưỡng nên người. Mẹ tôi thì đặc biệt im lặng về điều đó. Do đó mà ngay cả đội trưởng đội bảo vệ Xta-lin là Vla-xích cũng cho rằng mẹ tôi đã chết từ lâu.

- Nhưng dù sao thì sự thật đã xảy ra: Một cậu bé được gần gũi Xta-lin, sống trong gia đình họ, được kết bạn với con trai lãnh tụ, được họ nuôi dưỡng… Vậy mà chẳng ai chú ý tới điều đó sao?

- Vì chỉ đơn giản cậu đó là Ác-chi-om, con trai nhà cách mạng nổi tiếng Phê-đô Xéc-gê-ép thôi.

Rồi Ác-chi-om Xéc-gê-ép kể lại việc mình trở thành con nuôi lãnh tụ như thế nào:

- Xta-lin và bố tôi là bạn chiến đấu thân nhau từ năm 1906, khi còn hoạt động bí mật. Cả hai đều cùng mấy lần bị tù đày, đều là đại biểu của các đại hội đảng trước cách mạng. Từ năm 1917 họ luôn sát cánh làm việc cùng nhau cho tới ngày bố tôi bị một tai nạn bất ngờ khi thực thi nhiệm vụ. Khi họ cùng đi dự Đại hội 10 của Đảng, rồi đi trấn áp cuộc nổi loạn ở Cron-xtát (tháng 3/1921), bố tôi đã đề nghị với Xta-lin rằng, nếu bố tôi có mệnh hệ gì thì nhờ ông chăm gia đình tôi, lúc ấy tôi còn trong bụng mẹ. Vào lúc đó, con trai thứ hai của Xta-lin – Va-xi-li ra đời. Vậy là từ 5 tháng tuổi tôi được gia đình Xta-lin nuôi dưỡng. Tôi sống cùng một phòng với Va-xi-li cho tới năm 16 tuổi.

- Thật khó hiểu, bởi chính ông không chỉ là một thành viên của gia đình vị đứng đầu Đảng và Nhà nước một thời, mà còn là một vị tướng quân đội Xô viết nữa. Đó có phải là cái kim trong đụn cỏ khô đâu?

- Tôi đã suốt đời phục vụ quân đội mà không cần “ô dù” để thăng cấp, thăng chức. Tôi đóng quân ở xa Mát-xcơ-va. Vào năm 1937, 1938 tôi vào học trường quân sự, đi lính rồi vào trường Sĩ quan pháo binh Lê-nin-grát số 2. Sau khi tốt nghiệp (năm 1940) tôi được chỉ huy một trung đội. Khi chiến tranh xảy ra, tôi được chỉ huy một trung đội pháo từ ngày 28/6/1941. Cuộc chiến ác liệt, không cân sức. Chúng tôi bị quân Đức đông gấp bội bắn phá, ném bom hủy diệt. Sau khi xe pháo của chúng tôi bị đánh tan, tôi được chỉ huy một đại đội bộ binh. Đơn vị chúng tôi bị quân thù bao vây chặt và tiến công liên tục.

Chúng tôi thoát được trận đó và tập hợp số còn lại để lập một đội du kích. Chúng tôi số nhiều bị chết, tôi và vài đồng chí bị quân Đức bắt trong tình thế không còn đường thoát. Bị chúng đưa vào trại tập trung, rồi bị đưa vào nhà tù Orsa. Tôi mấy lần bí mật tìm cách thoát thân thì may quá – một lần chạy thoát được. Nếu như lúc đó có ai đó biết rõ lý lịch của tôi thì tôi làm sao thoát được! Trở về sau nhiều đêm ngày nhịn đói khát, mò mẫm tìm đường, tôi xin nhập vào các đơn vị mới để tiếp tục chiến đấu. Hết trận này tới trận khác, tôi luôn ở trên các mặt trận nóng bỏng. Và ơn trời, tôi vẫn được sống sót cho tới hết đời binh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ác-chi-om Xéc-gê-ép (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội chuẩn bị trận đánh. Ảnh tư liệu.


Về các nhân vật lớn qua ký ức Ác-chi-om

- Là con nuôi Xta-lin, lại được nhiều năm sống trong gia đình lãnh tụ, ông thấy Xta-lin thế nào? Hình thức của Xta-lin như thế nào?

- Xta-lin không bao giờ tô điểm gì, sống rất tự nhiên. Ông có khuôn mặt bình dị, hiền hậu, không có tì vết gì. Chỉ có một ít sẹo nhỏ nhưng không rõ nét. Nét mặt ông sống động, thông minh nhưng giản dị. Có một phụ nữ từng bị hại trong những năm “trấn áp phản cách mạng” là Ki-ra Páp-lốp-na khi được hỏi về Xta-lin cũng đã trả lời: “Nói thật ra, ông ta là một người khả ái”.

- Thế Xta-lin nuôi dạy ông như thế nào?

- Bố nuôi tôi là một người cha ân cần, dịu dàng và mẫu mực. Ông không cho phép đứa trẻ tự coi mình là người không biết suy nghĩ. Ông thường nói chuyện với Va-xi-li, với con gái út Xvét-lan-na và với tôi về những vấn đề nghiêm túc một cách rõ ràng và dễ hiểu. Thi thoảng, ông thường đưa chúng tôi ra làm gương cho nhau trong sinh hoạt, trong đối xử.

Trong các món quà Xta-lin kỷ niệm cho tôi có hai cuốn truyện hay. Ông viết đề tặng tôi trong cuốn “Rô-bin-sơn Cru-sô” của Đa-ni-en Đơ-phô: “Tặng Tô-míc thân yêu của tôi, chúc con lớn lên và thành người Bôn-sê-vích giác ngộ, kiên định và dũng cảm”.

Ông gọi tôi là Tô-míc để kỷ niệm cha tôi thời hoạt động cách mạng ở nước ngoài theo cách gọi của người bản địa lúc đó.

Do quá bận rộn với công việc nhà nước nên ông ít khi có dịp chơi cùng con cái. Ông chỉ có dịp trò chuyện với chúng tôi khi có chút rỗi rãi, hay khi đi làm về mà chúng tôi chưa đi ngủ.

- Thế ông thấy Bê-ri-a thế nào?

- Tôi có ấn tượng không thích. Mỗi khi có ông Ne-xtô Lô-cô-ba, bạn chiến đấu của Xta-lin tới nhà Xta-lin thì không khí thật ấm áp; còn khi Bê-ri-a tới thì thật nặng nề khó chịu. Tuy nhiên Bê-ri-a là một nhân vật to tát, có vai vế; tất cả năng lượng nguyên tử là ở ông ta. Không phải vô cớ mà nhà bác học I-go Cu-tra-tốp, trưởng nhóm nghiên cứu nguyên tử đã mạnh mẽ khuyên chính phủ để cho Bê-ri-a thay Mô-lô-tốp đứng đầu dự án nguyên tử…

Về người bạn, người anh em Va-xi-li

- Ông sống ở gia đình Xta-lin như thế nào?

- Từ 1923-1927 tôi và Va-xi-li cùng được nuôi dạy ở nhà trẻ. Ngoài chúng tôi – những đứa con mà cha mẹ không có thì giờ và điều kiện nuôi dưỡng vì quá bận rộn công việc quốc gia, còn một số khác là mồ côi cha mẹ, không nhà cửa nương thân. Tất cả là 50 người, gọi vui là “Nhà trẻ 50”. Các bà bảo mẫu chăm sóc và dạy dỗ tận tình, chu đáo, không phân biệt đó là con Xta-lin hay trẻ vô gia cư, trẻ mồ côi. Về sau tất cả bọn tôi đều được học trường phổ thông, rồi vào trường thiếu sinh quân, trường quân sự. Khi chiến tranh nổ ra, tất cả chúng tôi đều lập tức ra mặt trận.

- Khi nào thì ông và Va-xi-li gặp nhau lần cuối?

- Chúng tôi vẫn còn được gặp nhau khi Va-xi-li bị bắt và vào nằm điều trị ở quân y viện. Cuối năm 1953, rất nhiều bạn bè (cả bạn cùng chơi thể thao) đều thăm anh. Anh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của mình, khá bận rộn với sự nghiệp thể thao. Sau đó anh bị dẫn tới trại cải tạo Vla-đi-mia-xki, rồi bị đi đày. Anh mất ở thành phố Ca-dan năm 1961. Tôi biết tin buồn này khá muộn, do mẹ tôi gọi điện báo cho tôi. Những năm cuối này Va-xi-li sống thật cô đơn…

Tham gia chiến tranh cứu nước, Va-xi-li được thưởng 4 huân chương. Các bạn cùng lứa, cùng hoàn cảnh với nhau thì được thưởng nhiều hơn. Ở đây có nhiều điểm thiếu công bằng. Một lần, đội bay ném bom của Đức ồ ạt tấn công sâu vào hậu phương của ta. Khi phát hiện thấy chúng, Va-xi-li lập tức phóng máy bay lên chặn đánh cản phá giặc, mặc dù máy bay của anh chưa kịp trang bị đầy đủ vũ khí. Bộ chỉ huy ở mặt đất chứng kiến hành động mưu trí và dũng cảm đó đã ghi danh để phong anh hùng. Tuy nhiên, khi đã biết đó là con trai Xta-lin thì họ hạ xuống một bậc: Chỉ thưởng Huân chương Cờ đỏ…

Về Va-xi-li đã có nhiều bài viết không đúng sự thật, thậm chí còn vu khống. Ngày nay người ta vẫn còn cố tình bóp méo hình ảnh của anh. Nếu ở anh vẫn còn có gì đó khiếm khuyết là do bản tính anh còn nông nổi, không biết tự kiềm chế…

- Xin hỏi thật tình: Xta-lin với anh như một người cha thật sự chứ?

- Vâng, tôi rất tự hào với hai người cha của mình. Tôi tự hào vì cả hai đều đã hiến trọn đời mình cho đất nước. Tự hào vì cả hai đều được an táng ở bức tường điện Crem-li. Những ngày sinh và ngày mất của họ tôi đều mang những bó hoa tươi thắm đến dâng trước mộ họ.


(Theo QĐND)

Ý kiến bạn đọc