Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố ở phiên tòa đã lần lượt đề nghị HĐXX áp dụng những hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ tội phạm mà 7 bị cáo trong vụ án gây ra.
Cụ thể, giữ vai trò khởi xướng, cầm đầu, Hsu Minh Jung (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) bị đề nghị áp dụng mức án tù chung thân, theo đúng tội danh bị đưa ra xét xử.
Tiếp đến và cùng tội danh, Phan Kiện Trung bị đề nghị xử phạt từ 18 năm tù đến 20 năm tù; Nguyễn Mạnh Linh - nguyên Giám đốc Công ty Khải Thái bị đề nghị áp dụng từ 16 năm tù đến 18 năm tù; Đoàn Thị Luyến - nguyên Giám đốc Chi nhánh Charmvit Công ty Khải Thái bị đề nghị xử phạt từ 14 năm tù đến 16 năm tù.
Các bị cáo: Tăng Hải Nam - nguyên Giám đốc Chi nhánh Lotte Công ty Khải Thái cũng bị đề nghị áp dụng từ 14 năm tù đến 16 năm tù; Đinh Thị Hồng Vinh - nguyên Giám đốc Chi nhánh Plaschem Công ty Khải Thái bị đề nghị xử phạt từ 12 năm tù đến 14 năm tù.
Giữ vai trò thấp nhất, Trịnh Hoàng Bình – nguyên quyền Kế toán trưởng Công ty Khải Thái bị đề nghị áp dụng từ 3 năm tù đến 4 năm tù.
Trước khi đề nghị những mức án cụ thể nêu trên, đại diện VKS cho rằng mặc dù quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa Hsu Minh Jung cùng một số bị cáo không thật thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như truy tố, nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án cùng các chứng cứ liên quan có đủ cơ sở xác định các bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS.
Theo đại diện VKS, hành vi của Hsu Minh Jung cùng đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (264 tỉ đồng) của hơn 700 người bị hại. Mặt khác, hành vi của các bị cáo còn gây mất trật tự trị an và ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh.
Do đó, cần thiết phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc và cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài thì mới đủ sức giáo dụng, răn đe cũng như phòng ngừa tội phạm chung.
Cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đại diện VKS khẳng định, Hsu Minh Jung là đối tượng khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu và hưởng lợi phần lớn số tiền chiếm đoạt của các bị hại. Và hiện tại, phần lớn số tiền chiếm đoạt của hàng trăm bị hại vẫn chưa được khắc phục.
Đối với 6 bị cáo còn lại, đại diện VKS nhìn nhận, mặc dù không được đối tượng người Đài Loan bàn bạc trong quá trình phạm tội, song các bị cáo đều nhận thức rõ hoạt động ủy thác đầu tư ra nước ngoài và nhận tiền gửi của khách hàng là trái pháp luật nhưng vẫn tích cực giúp sức bằng việc tư vấn, tạo niềm đối với bị hại.
Bào chữa cho đối tượng người Đài Loan, luật sư cho rằng hành vi Hsu Minh Jung không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi bị cáo này không dùng thủ đoạn gian dối và cũng không chiếm đoạt tiền của ai. Thậm chí những người ủy thác đầu tư thông qua Công ty Khải Thái đều được nhận tiền lãi đúng như cam kết.
Tương tự, luật sư bào chữa cho Trịnh Hoàng Bình cho rằng bị cáo này không hề hay biết về các hoạt động trái pháp luật của Công ty Khải Thái. Vì ở thời điểm vụ án bị phát hiện, Bình mới vào làm việc tại doanh nghiệp này được hơn 1 tháng với vai trò kế toán, thay thế người cũ nghỉ đột xuất.
Tiếp quản công việc, Bình chỉ biết rằng Công ty Khải Thái đang hoạt động về lĩnh vực bất động sản và hoạt động này đã được phép. Đối với hoạt động ủy thác đầu tư, luật sư cho rằng Bình không nắm được vì nó đã được triển khai từ trước. Điều duy nhất bị cáo nhận thức được đó là Công ty Khải Thái huy động vốn để triển khai một số dự án.
Nói về những khoản tiền Bình được hưởng, vị luật sư cho rằng đó là những khoản tiền hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Bởi một khoản là do Công ty Khải Thái thuê Bình làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh và 15 triệu đồng là tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động…
Ngày mai (14/12), phiên xử tiếp diễn.
Theo ANTĐ
Ý kiến bạn đọc