(VnMedia) - Theo luật sư, trường hợp người mẹ vứt bỏ con xảy ra ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội vừa qua, nếu có căn cứ chứng minh người mẹ đã có hành vi vứt bỏ con thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính...
Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã có nhiều trường hợp vứt bỏ con trẻ, cá biệt vứt bỏ con mới sinh do những nguyên nhân khác nhau. Có trường hợp cháu bé được người dân phát hiện cứu sống, một số khác khi được phát hiện thì cháu bé đã tử vong.
Gần đây nhất là vụ một bé trai nghi bị bỏ rơi ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, ngày 16/12 một bé trai khôi ngô khoảng 4-5 tuổi bị lạc ở phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) nghi ngờ bị lạc người thân.
Sau đó người dân đi lễ đã đưa cháu bé vào Ban Quản lý di tích. Sáng ngày 17/12, lãnh đạo UBND phường Quảng An cho biết đã nhận được vụ việc, tuy nhiên đến trưa cùng ngày vẫn không thấy có người thân đến nhận cháu.
Nhận tin báo từ Ban Quản lý di tích, cán bộ phường Quảng An đã tới Phủ Tây Hồ trích xuất camera thì phát hiện bé trai đi cùng một người phụ nữ nghi là mẹ cháu bé.
Hiện UBND phường thông báo trên loa truyền thanh và gọi điện cho các phường xung quanh để tìm người thân cho cháu. Do không có người thân đến nhận nên cháu bé được giao cho một cán bộ y tế phường chăm sóc.
Những vụ bỏ rơi con trẻ đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, đi ngược lại với những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và hơn nữa, hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Bày tỏ quan điểm về những vụ việc đã xảy ra, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Trẻ em theo quy định của Luật trẻ em 2016 là người dưới 16 tuổi. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”.
Điều 4, 6 và 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”;
“Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.
Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.
Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả do hành vi người mẹ bỏ rơi con trẻ để xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật. Nếu việc vứt bỏ con đẻ dẫn tới hậu quả cháu bé bị tử vong thì người mẹ mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự .
Căn cứ điểm b, Điều 1, Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong 7 ngày trở lại”.
Nếu đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày mà người mẹ đem vứt bỏ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì hành vi này có thể cấu thành tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 94, Bộ luật Hình sự.
"Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Trường hợp cháu bé bị vứt bỏ trên 07 ngày tuổi thì nếu có đủ căn cứ chứng minh người mẹ cố ý vứt con đẻ dẫn tới hậu quả chết người thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 93 BLHS", luật sư Thơm nói.
Trong trường hợp người mẹ vứt bỏ con như vụ việc xảy ra ở Phủ Tây Hồ, Hà Nội vừa qua, nếu có căn cứ chứng minh người mẹ đã có hành vi vứt bỏ con thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1 Điều 22 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Điều 22. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này.
PM
Ý kiến bạn đọc