Thanh niên dùng súng khống chế nữ y tá ở Hà Nội phạm tội gì?

05:53, 30/10/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, việc đối tượng đã sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ hộ lý Bênh viện tâm thần TW lên xe taxi đã có dấu hiệu phạm Tội bắt, giữ người trái pháp luật...

Lực lượng công an bao vây hiện trường để triển khai phương án giải cứu con tin. Ảnh: Tuổi trẻ
Lực lượng công an bao vây hiện trường để triển khai phương án giải cứu con tin. Ảnh: Tuổi trẻ

Trước đó, sáng ngày 29/10 một nam thanh niên mặc áo khoác, vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân (Viện Pháp y tâm thần Trung ương). Đối tượng này yêu cầu cho gặp bạn đang điều trị tại đây tên là Hoàng.

Khi không được đáp ứng, đối tượng này rút khẩu súng dạng K59 cùng một dao găm khống chế một nhân viên điều dưỡng rồi đưa ra ngoài đường. Đối tượng tiếp tục chặn một chiếc xe taxi, đưa nạn nhân lên xe và yêu cầu lái xe taxi đi tiếp.

Đến một cửa hàng bán hoa ở thị trấn Thường Tín, đối tượng yêu cầu dừng xe, khống chế nạn nhân vào cửa hàng hoa và đưa ra yêu sách là đưa một xe ô tô đến đón để thoát khỏi hiện trường.

Đến 11h15 cùng ngày, Cảnh sát đã giải cứu an toàn bị hại, khống chế được nam thanh niên và thu giữ toàn bộ tang vật

Về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với VnMedia. Luật sư Thơm cho biết: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân. Điều 9 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948: “Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán”.

Điều 9 Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng ghi nhận: “Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định”.

Trên cơ sở này, Điều 20 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

Theo luật sư Thơm, vụ việc trên, xét hành vi của đối tượng đã sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ hộ lý Bênh viện tâm thần TW lên xe taxi di chuyển đến khu vực cửa hàng hoa sát với số nhà 105 đường Trần Phú (Thường Tín) đã có dấu hiệu phạm Tội bắt, giữ người trái pháp luật. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

"Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng cần phải làm rõ mục đích phạm tội để có căn cứ xử lý đúng bản chất vụ việc.

Ví dụ như bắt giữ người nhằm mục đích để ép buộc đòi nợ thì sẽ bị xử lý tương ứng về Tội cướp tài sản; bắt giữ phụ nữ nhằm mục đích hiếp dâm thì bị truy cứu TNHH về Tội hiếp dâm,…", luật sư Thơm phân tích.

Cũng theo luật sư Thơm, về khẩu súng đối tượng sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan chức năng cần xác định đó là khẩu súng thật hay giả. Trường hợp nếu là súng thật thì cần thiết phải trưng cầu Cơ quan chuyên môn xác định là loại vũ khí quân dụng hay tương tự vũ khí quân dụng.

"Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo Điều 230 BLHS 1999 và Điều 307 BLHS 2015. Nếu khẩu súng đó là tương tự vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013", luật sư Thơm nói.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc