(VnMedia) - Được bổ sung bào chữa cho mình tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu TGĐ Ocean Bank) cho biết, nếu vi phạm pháp luật thì cho phép bị cáo dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả cũng như hưởng sự khoan hồng của pháp luật
Cựu TGĐ kêu oan
Ngày 20/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) tiếp tục với phần tự bổ sung bào chữa của các bị cáo có luật sư đã bào chữa trước đó.
Mở đầu phần tự bào chữa bổ sung của mình, bị cáo Sơn nói rằng muốn gửi lời kêu cứu đến HĐXX để minh oan cho bị cáo.
“Bị cáo không hề phạm tội Tham ô và chiếm đoạt tài sản của anh Thắm cũng như của ngân hàng”, bị cáo Sơn nói.
Bị cáo Sơn thừa nhận, thời kỳ làm TGĐ Ocean Bank (từ 2009-2010) đã chi tiền của Hà Văn Thắm chăm sóc khách hàng; và từ năm 2011- nửa đầu năm 2014, bị cáo có hành vi chuyển hộ tiền của anh Thắm để chăm sóc khách hàng cho PVN.
Theo đó, bị cáo Sơn thừa nhận hành vi sai phạm này và ăn năn hối lỗi về hành động đó. Hành động như trên cấu thành tội gì và sai phạm đến đâu mong VKS và HĐXX xem xét thấu đáo cho bị cáo.
Bị cáo Sơn cho biết, trong giai đoạn làm TGĐ, bị cáo đã chi số tiền 69 tỷ đồng do Thắm chuyển. Bị cáo đã chi chăm sóc khách hàng khoảng 30-40 tỷ. Trong giai đoạn 2009-2010 và giai đoạn 2014, bị cáo đã chuyển hết tiền mà anh Thắm nhờ cho PVN.
“Số tiền mà bị cáo đưa cho anh Quỳnh nhiều hơn rất nhiều so với anh Quỳnh khai tại tòa. Bị cáo thật sự ăn năn hối lỗi, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, bị cáo Sơn nói.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 7/9, cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh khai nhận, từ năm từ năm 2009 đến tháng 12/2013 đã nhận từ Sơn số tiền khoảng 20 tỷ đồng.
Dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả
Bị cáo Sơn nói rằng đồng tình với các luật sư, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Và nếu hành vi vi phạm pháp luật thì cho phép bị cáo dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả cũng như hưởng sự khoan hồng của pháp luật
Về tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt, bị cáo Sơn cho rằng mình không đàm phán với khách hàngchi lãi ngoài, bị cáo chỉ chăm sóc khách hàng mà đây là chỉ đạo của Hà Văn Thắm, bị cáo chỉ là người chuyển hộ.
“Bị cáo hoàn toàn không chiếm đoạt đồng nào, mà còn chi tiền cá nhân để giao lưu, tiếp khách tạo uy tín cho ngân hàng, tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng”, bị cáo Sơn nói.
Theo bị cáo Sơn khẳng định, năm 2014, bị cáo được bổ nhiệm làm Chủ tịch PVN, thời kỳ này bị cáo hoàn toàn không nhận tiền và chi tiền bất kỳ khoản nào của anh Thắm hay ngân hàng cho PVN.
Lý giải về việc bị cáo có chiếm đoạt hay không? Bị cáo Sơn cho rằng, hi làm TGĐ ngân hàng 2 năm với khối lượng công việc lớn mà chi phí có 60-70 tỷ, như vậy mỗi năm có 30 tỷ. Các ngân hàng trong giai đoạn đấy thường phải chi 1-3% để huy động vốn. Nếu lấy tổng số dư tiền gửi của PVN nhân 1% là 1.200 tỷ mà bị cáo chỉ chi có hơn 60 tỷ.
“Nếu chiếm đoạt tiền của anh Thắm hoàn toàn có thể yêu cầu anh Thắm chi nhiều hơn”, bị cáo Sơn nói.
Theo bị cáo Sơn, khi bị cáo quay về PVN, bị cáo cũng nói với anh Thắm sẽ hết lòng vì ngân hàng. Vì lúc đó ngân hàn đã đẩy lên 1 giai đoạn cao, anh Thắm sẽ khó khăn vất vả hơn.
“Khi đó, anh Thắm nhờ nên bị cáo đã nhận lời giúp, vô tình làm hệ lụy đến danh dự PVN. Trước đây, bị cáo chưa thừa nhận nhận tiền và chi tiền để giữ uy tín cho PVN. Bị cáo thấy đây là lỗi của mình không khai báo rõ ràng, làm cho vụ án sai bản chất. Bị cáo giờ không có giấu diếm che đậy gì cả”, lời bị cáo Sơn.
Kết thúc phần bào chữa của mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Mong HĐXX xem xét quá trình công tác và cống hiến giúp bị cáo để có hình phạt nhẹ hơn bởi án tử hình là quá nghiêm khắc với bị cáo.
PV
Ý kiến bạn đọc