"Bỏ tiền lẻ vào chai nhựa" mua vé BOT có thể bị phạt tù 2 - 7 năm

19:50, 07/08/2017
|

Người nào gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu) sẽ bị phạt tù từ 2- 7 năm.

Đây là thông tin được luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đưa ra trước việc nhiều tài xế nhằm phản đối chủ đầu tư nên cuộn tiền lẻ để trong chai nhựa để mua vé tại trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang) gây ách tắc giao thông kéo dài.

Nhiều tài xế mang theo tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa để mua vé tại trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giag) nhằm phản đối và cho rằng chủ đầu tư đặt trạm không hợp lý, bán vé quá cao. Xin luật sư cho biết, hành động như vậy trong trường hợp cụ thể này có vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Hiện nay tiền lẻ vẫn được phép lưu hành bình thường, thế nên việc tài xế có cố tình dùng tiền lẻ để trả tiền phí cũng không vi phạm pháp luật, không thể xử lý đối với các hành vi này.

Tiền lẻ được tài xế bỏ vào chai nhựa khi trả tiền mua vé (ảnh : vnexpress.net)
Tiền lẻ được tài xế bỏ vào chai nhựa khi trả tiền mua vé (ảnh : vnexpress.net)

Việc tài xế mang theo tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa để mua vé thì đây là hành vi cố ý của người thực hiện hành vi, nhằm làm cho quá trình mua vé diễn ra lâu hơn bình thường, nhằm mục đích gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí để phản đối việc thu phí.  

Khi trả tiền lẻ thì đã mất thời gian kiểm đếm rất lâu, còn khi tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa thì rõ ràng đây là hành vi cố ý để làm cho quá trình mua vé diễn ra rất chậm, hành vi này sẽ gây  ra ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Tài xế biết rõ điều này và vẫn cố tình thực hiện. Hành vi này có dấu hiệu “gây rối trật tự công cộng”, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Và các mức xử lý cụ thể là gì thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Đối với hành vi “gây rối trật tự công cộng” ở tính chất, mức độ thấp thì bị xử lý vi phạm hành chính:

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, tại  Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng, quy định xử lý hành vi trên sẽ là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:  Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.

Đối với hành vi “gây rối trật tự công cộng” ở tính chất, mức độ cao hơn thì bị xử lý về hình sự:

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Nghị quyết 02/HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể như sau: “Gây cản trở giao thông nghiêm trọng" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự là gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu).

Theo các tài xế thì nguyên nhân bức xúc chính là do nhiều người không sử dụng đường tránh nhưng cũng bị thu phí suốt tuyến. Mặt khác giá thu phí ở đây quá cao so với mặt bằng chung như ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và cầu Cần Thơ. Các tài xế cũng yêu cầu chủ đầu tư phải di dời trạm thu phí vào đường tránh để thu đúng với tên gọi của trạm. Theo ông những bức xúc của tài xế là có cơ sở không?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Có thể thấy những xung đột tại các trạm thu phí BOT thời gian qua đều xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là do sự nôn nóng trong việc xã hội hóa cải tạo, xây dựng các tuyến đường giao thông. Trong đó, nhiều chủ đầu tư, vì muốn nhanh chóng đạt mục tiêu hoàn vốn, thậm chí vì những lý do liên quan đến năng lực doanh nghiệp hay cả sự gian lận, đã dùng những “chiêu” tận thu phí của người dân.

Theo kết quả giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, việc xây dựng các dự án BOT mới có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương mà không lấy ý kiến người dân. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khi thu phí thì bị phản đối.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Người nào gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu) sẽ bị phạt tù từ 2- 7 năm.

Bộ Tài chính đã có Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Trong đó có nói rõ các đối tượng chịu phí là người Việt Nam và nước ngoài trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ khi đi qua trạm thu phí, trừ một số trường hợp được miễn phí qui định tại Điều 5.

Dự án BOT là dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Nhà đầu tư được vận hành khai thác để thu hồi vốn 1 thời gian rồi chuyển giao lại cho Nhà nước. Về nguyên tắc thì ai sử dụng phần xây dựng được phép của dự án đều phải trả phí cho nhà đầu tư và ngược lại nhà đầu tư chỉ được thu phí phần xây dựng nằm trong dự án mình được cấp phép.

Vấn đề ở đây phải làm rõ là những người không muốn trả tiền qua trạm có sử dụng đoạn đường xây dựng nào của chủ đầu tư không. Nếu họ không sử dụng thì không phải trả phí, cho dù chỉ thu 50% cũng là không đúng vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của người dân.

Vậy để làm rõ vấn đề này thì trạm thu phí của dư án BOT phải được bố trí thu trên phần xây dựng của dự án. Việc bố trí để thu trên đoạn không phải của dự án, thu tiền của người không sử dụng là lạm thu. Có thể hiểu đây mới là nguyên nhân chính khiến người dân bức xúc chứ không phải do mức phí quá cao. Chủ đầu tư có thể xem xét xin di dời trạm thu phí đến phần đường trong dự án để đảm bảo vấn đề minh bạch, hợp pháp, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Nếu trạm thu phí di dời mà trong thời gian thu phí không đảm bảo thu hồi vốn thì chủ đầu tư vẫn có thể xin cấp phép gia hạn thời gian thu phí.

Xin cảm ơn luật sư!

Khoảng 17 giờ 45 ngày 6/8, nhiều tài xế xe tải, ô tô di chuyển qua khu vực QL1 (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nơi đặt trạm thu phí tuyến tránh BOT Cai Lậy để phản đối. Điều này khiến các phương tiện phía sau bị ùn ứ kéo dài. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày tình trạng giao thông mới trở lại bình thường.

Trước đó, từ ngày 1 – 3/8, cũng đã có 7 phương tiện qua trạm dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn để trong chai nhựa, túi nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ rồi buộc nhân viên kiểm đếm lại nhiều lần.

Theo Infonet


Ý kiến bạn đọc