(VnMedia) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hà Nội xảy ra hàng trăm vụ cháy mà phần lớn là cháy nhà dân. Những vụ cháy này gây thiệt hại về kinh tế thậm chí chết người. Vậy đâu là nguyên nhân những vụ cháy đau lòng này?
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xác định của những vụ cháy tại Hà Nội bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định trong phòng chống cháy, nổ.
Tùy tiện đặt lồng sắt, bịt kín lối thoát hiểm
Vào rạng sáng nay 19/7, vụ cháy thương tâm tại ngõ 41 phố Vọng khiến 2 người chết càng cho thấy, với “giặc lửa”, mỗi sự bất cẩn nhỏ nhất cũng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Đám cháy xảy ra vào rạng sáng ngày 19/7 tại nhà số 48 ngõ 41 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, đã khiến 2 người tử vong.
Nạn nhân được xác định là Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1936) và Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1968), là con của nạn nhân Ngọc.
Đau lòng là trong vụ cháy khủng khiếp ấy, nhiều cư dân quanh nhà nạn nhân đã bất lực trước việc cứu người ra khỏi khói lửa. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Song thảm kịch nhà cháy, người chết tại phố Vọng theo như nhiều người dân trong ngõ 41, có lẽ sẽ không dẫn đến những tận cùng thương tâm nếu như ngôi nhà không bị bịt kín toàn bộ phía trước bằng những lồng thép được hàn vào ban công.
Theo lời một người hang xó chứng kiến vụ cháy, cho hay: "Lúc đó chúng tôi không có cách nào phá cửa vì của chính ngôi nhà bị nhiều lớp cửa khóa chặt, toàn bộ mặt tiền các tầng trên được hàn khung lồng thép kiên cố. Nếu ban đầu chiếc chuồng cọp này được tính toán kỹ chắc chắn sẽ không xảy ra rủi ro về người. Như thế có lẽ chúng tôi đưa được họ ra ngoài”.
Đã có những cảnh báo về tình trạng tùy tiện lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền của các ngôi nhà, tự triệt tiêu phương án thoát nạn khẩn cấp khi xảy ra sự cố cháy nổ, và thực tế hàng loạt vụ hỏa hoạn với thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhưng dường như không ít người dân vẫn thiếu sự cẩn trọng trước “giặc lửa”, chủ quan trước việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ.
Trước đó vài ngày khi xảy ra vụ cháy tại phố Vọng, người dân ngõ 205/53 phố Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, cũng trải qua những khoảnh khắc khủng khiếp khi chứng kiến lửa cướp đi sinh mạng 4 người trong một gia đình tại nhà số 37.
Theo một số người dân trong ngõ này, dẫn đến cái chết thương tâm của gia đình 4 người là do căn nhà xây kín, không lối thoát hiểm, cửa chính ở tầng 1 bị khoá nhiều lớp. Xảy ra hỏa hoạn, chủ nhà có thể đã không kịp lấy chìa khóa để mở cửa hoặc lối thoát duy nhất đã bị lửa bịt kín nên cả gia đình đã phải chết thảm.
Cẩn trọng bao nhiêu vẫn là thiếu
Báo cáo của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội đã cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 447 vụ cháy, gây làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 300 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 2,5 vụ cháy.
Đáng chú ý, hàng trăm vụ trong số đó là cháy nhà dân, mà phần lớn nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn được xác định từ các sự cố điện, thiết bị điện, sự bất cẩn, thiếu ý thức chấp hành các quy định trong phòng chống cháy, nổ. Và hai vụ cháy nhà dân vào đầu tháng 7 mới đây khiến 6 người chết càng cho thấy, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước hiểm họa cháy nổ, mới đây Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải đã cảnh báo: Phòng cháy chữa cháy là vấn đề rất lớn, nếu không có giải pháp khoa học, căn cơ thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo được đô thị văn minh, an toàn, bình yên cho người dân.
Từ những vụ cháy gây chết người tại Hà Nội gần đây cho thấy, nếu người dân, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà không nhận thức được vấn đề an toàn về cháy nổ thì một mình lực lượng cảnh sát phòng cảnh sát chữa cháy không sức nào làm được.
Hậu quả từ hỏa hoạn gây ra là quá khủng khiếp; Và với “giặc lửa”, cẩn trọng bao nhiêu vẫn là thiếu, chủ quan một chút cũng là thừa. Mỗi sự bất cẩn nhỏ nhất cũng sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc