(VnMedia) - Liên quan đến thông tin nhà báo Lê Duy Phong thừa nhận tiền của Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái 200 triệu đồng, luật sư cho biết, nếu qua xác minh việc đưa tiền và nhận tiền là có thật thì vụ việc này có dấu của của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ...
Ngày 28/6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công an, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc bắt giữ nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho biết hiện Công an tỉnh Yên Bái đang tạm giữ ông Lê Duy Phong để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 280 Bộ Luật hình sự.
Tướng Đỗ Kim Tuyến thông tin đến nay Bộ Công an đã có báo cáo ban đầu của Công an tỉnh Yên Bái. Theo báo cáo, trước khi nhà báo Duy Phong bị bắt quả tang nhận 50 triệu của một doanh nghiệp thì ngày 16/6, ông Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Yên Bái.
Trong cuộc gặp này ông Phong đã cung cấp một số thông tin vi phạm liên quan đến ông Sáng và yêu cầu chuyển 200 triệu để bỏ qua những sai phạm này. Thời điểm đó ông Sáng không đủ tiền nên chuyển trước 100 triệu đồng, buổi chiều ông Sáng tiếp tục chuyển cho ông Phong 100 triệu đồng nữa.
Tại thời điểm bị cơ quan Công an bắt ngày 22/6, nhà báo Duy Phong đang nhận 50 triệu của một doanh nghiệp. Cùng ngày, nhà báo Duy Phong cũng đã thừa nhận việc nhận tiền ngày 16/6 từ Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái.
Liên quan đến hành vi đưa tiền của ông Sáng, trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết, vụ án đang trong quá trình điều tra, chi tiết trên vẫn đang được làm rõ. Cơ quan điều tra đang xác minh hành vi của ông Sáng, nếu có đủ căn cứ sẽ xử lý.
Trước những thông tin của Bộ công an vừa công bố, dư luận băn khoăn, hành vi này của ông Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái có phạm tội và sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với VnMedia về vấn đề trên, luật sư Trần Quốc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, việc ông Phong nhận tiền của Giám đốc sở KH-ĐT Yên Bái từ ngày 16/6 nên hành vi phạm tội đã hoàn thành. Tuy nhiên, đây là lời khai từ một phía nên cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ vụ việc có thật hay không?
‘Nếu qua xác minh việc đưa tiền và nhận tiền là có thật thì vụ việc này có dấu của của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ, nhưng cũng cần xem xét việc Giám đốc Sở KHĐT đưa tiền cho ông Phong là tự nguyện hay bị ép buộc?, luật sư Hùng nói.
Luật sư Hùng viện dẫn: khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự có quy định: Người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Cũng theo luật sư Hùng, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ thì chiểu theo Khoản 3 Điều 289 Bộ luật Hình sự ,Giám đốc Sở KH-ĐT Yên Bái sẽ đối diện với mức án tù từ 13-20 năm tù, bởi của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
Điều 289 - Bộ luật hình sự quy định: 1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. 6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ". |
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc