Cuộc sống tăm tối của những người chót 'chơi' ma túy đá

07:27, 28/06/2017
|

(VnMedia) - Trong 100 trường hợp dùng ma túy đá thì quá nửa là bị nghiện và một phần tư số đó não bị tổn thương. Người nghiện ma túy đá thường mệt mỏi, xuất hiện ảo giác, mất ăn, mất ngủ kéo dài... và cuộc sống từ đó trở nên tăm tối.

Buồng bệnh điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy đá
Buồng bệnh điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy đá

Con đường trở lại mờ mịt

Một ngày cuối tháng 6, có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng trong cái tiết trời oi bức, nóng nực chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện với các bệnh nhân chót 'chơi' ma túy để hiểu hơn về cuộc sống của họ.

Nguyễn Thanh H. (37 tuổi, ở khu An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội) - nữ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương tiếp chuyện trong khi vẫn nằm trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền, cánh tay còn lại buông thõng, sợi dây nhựa lạnh lẽo cắm vào cổ tay để truyền dịch. Giọng yếu ớt, nữ bệnh nhân cho biết, chồng chị nghiện ma túy đá và chính anh ta là người dẫn dắt khiến chị nghiện loại ma túy này.

“Chính chồng em là người dẫn dắt em chơi ma túy đá. Em chơi đá cũng gần 10 năm nay rồi. Trước thì đủ cả, thuốc phiện, heroin, cần sa, bột ke… Nhưng đập đá rồi thì bỏ hết, thấy chả ra gì cả, chỉ chơi đá thôi”, H. nói. Nói chuyện “giải đá”, Nguyễn Thanh H,. giọng ẩn chứa mệt mỏi: “Giờ chỉ thấy mệt mỏi, đau nhức cơ khớp khắp toàn thân”.

Nhớ lại quãng thanh xuân, khi còn là cô con gái lớn trong một gia đình có tiềm lực kinh tế ở bãi An Dương. Có chút nhan sắc, đang học Trung cấp Tài chính thì H., nghe theo lời rủ rê của đám bạn choai choai liền bỏ học, lao vào những cuộc vui, thường xuyên hút hít.

Năm 20 tuổi, H. lấy chồng. Chồng H. cũng là một 'con nghiện', rồi lần lượt hai cậu con trai ra đời. Tuy có con nhưng vợ chồng H. không vì thế mà bớt nghiện hút. Dường như cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ ngày càng quay cuồng với những cơn phê ma túy, bỏ bê công việc, gia đình. Hai đứa con được sinh ra cũng tự lớn lên như cây, như cỏ. Tính nết H., cũng ngày càng thay đổi, trở nên cục cằn, nóng nảy, lười biếng.

“Chơi đá rồi thì bỏ hết heroin, cần sa, hồng phiến, bột ke…, thấy chả ra gì cả. Lúc đầu thì dùng thưa thớt khoảng một vài tháng một lần, rồi tăng lên hàng tuần. Độ 6 tháng gần đây thì ngày nào cũng dùng. Hễ ngừng là mệt mỏi đau nhức các cơ khớp, xuất hiện ảo giác, mất ăn, mất ngủ kéo dài”, H. kể.

H. bảo rằng, vài bận muốn bỏ ma túy đá, nhưng được mấy ngày là thành “công cốc”. “Lần này, mẹ em đưa đến đây điều trị. Em cũng muốn bỏ lắm rồi nhưng không biết có được không".

Đánh mất tuổi thanh xuân vì... ma túy

Điều trị ở buồng kế bên là bệnh nhân Bùi Bảo Đ., (22 tuổi, ở Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Là con thứ hai trong một gia đình có của ăn, của để. Đ nghiện ma túy từ năm 18 tuổi, lúc đầu là nghiện cần sa, sau này nghiện cả ma túy đá. Khi đang là sinh viên năm cuối một trường đại học ở Thái Nguyên nhưng Đ. xin nghỉ học, bảo lưu kết quả để ở nhà… cai nghiện.

Khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt lờ đờ không biểu lộ cảm xúc, Đ. kể do đua đòi với bạn bè nên “bập” vào cần sa, ma túy tổng hợp từ 4 năm trước, khi mới bước vào giảng đường. Ban đầu chỉ một tháng “phê pha” vài lần, rồi tăng lên tuần vài bận và sau một năm, ngày nào Đ., cũng muốn “đập đá”.

Chơi “đá”, tính nết Đ. cũng thay đổi. Đ. không còn là cậu sinh viên hiền lành, chăm học mà trở thành một con người khác  cục cằn, nóng nảy, sống bê tha. Khi thiếu thuốc, cậu la hét, chửi bới đập phá bất cứ thứ gì xung quanh. Đ. bị gia đình phát hiện khi thấy cậu quý tử với bộ “đập đá” trong phòng riêng.

“Khi bị phát hiện, bố mẹ quản thúc em, cho uống thuốc theo đơn của bác sỹ, cai nghiện tại gia nhưng em vẫn tìm mọi cách để sử dụng ma túy đá. Vì thế ông bà phải đưa em lên Hà Nội điều trị”, Đ. kể.

Cầm trên tay bệnh án của hai bệnh nhân trên, bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương thở dài, nói: "Ma túy đá là chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và amphethamine, là những chất cực mạnh, nguy hiểm. Người sử dụng ma túy tổng hợp nhiều sẽ gây tác hại đối với toàn bộ cơ thể như hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục, trong đó, bộ não là nơi bị tổn thương rõ nhất".

Theo bác sĩ Thu, người dùng ma túy đá dù chỉ một lần cũng có thể gây nghiện. Trong 100 trường hợp dùng ma túy đá thì quá nửa là bị nghiện và một phần tư số đó bị não bị tổn thương, phá hủy. "Trường hợp Đ. và H. có thâm niên sử dụng ma túy thuộc nhóm Methamphetamine, nhưng may mắn là vẫn còn nhận thức được”, bác sỹ Thu cho hay.

Khánh Công

>> Bài tiếp: Bác sĩ chuyên khoa tâm thần bị bệnh nhân ma túy đá 'đe dọa'


Ý kiến bạn đọc