Cơ quan chức năng tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên- Huế) đều cho rằng việc phản ánh của người dân có cơ sở, nhưng ngoài tầm xử lý của họ, chỉ đề nghị cần có cơ chế chính sách phù hợp. Còn việc có nên di dời trạm thu phí (TTP) đi nơi khác hay không là việc của cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực giao thông (Bộ Giao thông vận tải).
Lăng Cô điêu đứng
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cũng bức xúc khi phía Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT xây dựng TTP trên địa bàn.
Theo ông Giảng, không chỉ với những hộ dân có xe tại thị trấn Lăng Cô, hay Đà Nẵng hay qua lại với TT Lăng Cô mà TPP còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình du lịch, kinh tế của thị trấn này. Đa phần khách du lịch đến TT Lăng Cô ăn uống, nghỉ dưỡng là từ Đà Nẵng ra. Nếu đặt TTP như hiện tại, tác động đến vấn đề tài chính của họ nên chắc chắn lượng khách giảm hẳn, kéo theo tình hình kinh tế Lăng Cô bị ảnh hưởng theo.
Ông Giảng cho biết, mới đây, UBND TT Lăng Cô làm việc với phía Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT, đã có lập biên bản làm việc về những đề xuất của UBND TT Lăng Cô, là xem xét ưu tiên những xe qua lại giữa Lăng Cô- Đà Nẵng; cần có hướng giải quyết, tháo gỡ việc lập TTP ảnh hưởng đến du lịch, dịch vụ, kinh tế địa phương. Nhưng đến nay phía công ty chưa có phản hồi gì.
“Thực ra việc lập TTP ở điểm hiện tại là chưa hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, kinh tế TT Lăng Cô, nhưng qua làm việc và khảo sát, phía Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT cho rằng không có điểm nào đặt hợp lý hơn điểm này. Vì làm ở phía trên kia thì gần TTP Phú Bài quá và không kiểm soát hết việc xe đi tránh TTP. Làm ở đây, gần như thâu tóm toàn bộ các đường nhánh, đường tránh qua TT Lăng Cô. Tình hình này cũng rất khó cho địa phương, đề nghị cơ quan chức năng tính toán, giải quyết như thế nào đó để người dân, cũng như địa phương Lăng Cô không bị ảnh hưởng vì TTP. Đó là mong mỏi của chính quyền cũng như người dân Lăng Cô”- ông Giảng kiến nghị.
Trạm thu phí dần được hoàn ,thiện nhưng vấp phải phản ứng từ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: Xuân Hoài. |
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, trưởng Công an thị trấn Lăng Cô cho biết, sau khi có chỉ đạo của thị trấn Lăng Cô đề xuất ưu đãi với những hộ dân kinh doanh tại thị trấn Lăng Cô, Công an thị trấn Lăng Cô lập danh danh những hộ có xe ô tô thường xuyên qua lại, có hộ khẩu tại Lăng Cô và Đà Nẵng có hơn 100 chiếc. Công an đã gửi cho UBND thị trấn và Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT hơn một tuần nhưng chưa thấy phản hồi.
“Việc lập danh sách chủ yếu nắm tình hình thực tế chứ các xe taxi và dịch vụ du lịch thì không lập, vì chúng tôi có lập danh sách thì phía Cty cũng khó hỗ trợ vì chắc gì họ chỉ chở khách đi Đà Nẵng. Còn việc họ chở khách ra Huế thì ai kiểm soát được. Nói chung việc này rất khó xử lý, chúng tôi muốn làm sao cho người dân Lăng Cô, những xe thường xuyên từ Đà Nẵng đến Lăng Cô không bị ảnh hưởng là tốt nhất”, trung tá Dũng tâm tư.
Chủ tịch huyện Phú Lộc tâm tư gì?
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, trước khi xây dựng TTP ở vị trí hiện tại, Bộ GTVT và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã họp bàn để chọn vị trí đặt TTP.
“Thời điểm đó, tôi không tham gia vì bận đi học ở Hà Nội. Nhưng trong hồ sơ cho thấy đã lấy ý kiến địa phương, ban ngành và đi đến đặt TTP của Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT ở vị trí hiện tại. Theo tôi biết thì hồi đó cũng đưa ra phương án đặt ở phía hai hầm Phú Gia- Phước Tượng thì quá gần với TTP Phú Bài, càng gần càng vi phạm, còn nếu đặt đúng theo quy định (mỗi trạm 70km) thì lại qua địa bàn Đà Nẵng, nên chọn vị trí hiện tại là phù hợp nhất vì không có vị trí nào khác. Vẫn biết đặt TTP ở thị trấn Lăng Cô thì sẽ bất lợi nhiều cho thị trấn Lăng Cô nhưng ở cấp huyện chúng tôi không thể quyết được điều gì, mà cấp trên và cơ quan chức năng Bộ GTVT là đơn vị quyết việc này”, ông Mạnh lí giải.
“Việc người dân phản ánh bất cập đặt TTP ở vị trí hiện tại là có cơ sở và đúng tâm tư nhưng việc quyết định ngoài thẩm quyền của huyện. Trước mắt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách miễn giảm cho những hộ dân thường xuyên kinh doanh qua lại ở Lăng Cô- Đà Nẵng và có những tính toán hợp lí để tạo điều kiện cho thị trấn Lăng Cô phát triển dịch vụ, du lịch. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của người dân để có hướng đề xuất tiếp theo, để tạo điều kiện cho người dân, thị trấn Lăng Cô ít tác động nhất đến việc đặt TTP tại thị trấn Lăng Cô”, ông Mạnh đề xuất.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu sau này, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả mở rộng Hầm đường bộ Hải Vân, đặt thêm trạm thu phí nữa thì người dân Lăng Cô và vùng phụ cận lại phải chịu 2 lần phí?, ông Mạnh cho rằng: “Cái đó phụ thuộc chính phủ, cơ quan chức năng. Nhưng cũng cần tính toán cho thật hợp lí chứ cứ để người dân chịu nhiều lần phí thì khó cho dân, cho địa phương quá”.
Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT phớt lờ?
Điều đáng nói, ngày 31/7/2015, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Việt, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CS PCCC&CNCH) có ý kiến: “Công trình hầm đường bộ Hải Vân là công trình có tính chất cháy, nổ phức tạp, do vậy, việc bảo đảm an toàn phòng cháy cho công trình và xử lý sự cố cháy nổ cần quan tâm đặc biệt. Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời có hiệu quả. Do đó, việc bố trí TTP tại khu vực trạm kiểm soát, điều hành PCCC hầm đường bộ Hải Vân (SS7) cần lựa chọn vị trí phù hợp để không ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra tại công trình”. Thế nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng và Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT lại phớt lờ ý kiến của Cục PPCC&CHCN?
Dòng xe chạy tuyến Đà Nẵng- TT. Lăng Cô vừa qua hầm Hải Vân đã gặp ngay trạm thi phí Phước Tượng- Phú Gia dù hai hầm đường bộ này ở vị trí rất xa. - Ảnh: Xuân Hoài. |
Những ngày qua, chúng tôi liên hệ với ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT thì ông này cho địa chỉ mail để gửi câu hỏi rồi trả lời. Thế nhưng, khi chúng tôi gửi một số câu hỏi về lý do đặt TTP tại Lăng Cô; điểm đặt chưa đúng với quy định khoảng cách 70km theo quy định; cơ chế chính sách gì với người dân, doanh nghiệp thường xuyên làm ăn, kinh doanh tại Lăng Cô và Đà Nẵng; bình luận ý kiến người dân nên dời TTP về gần hầm Phú Gia; Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT đề xuất gì để “gỡ rối” tình trạng trên nhưng không nhận được sự phản hồi.
Không hiểu vì sao lãnh đạo Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT lại phớt lờ câu hỏi của báo chí đến vậy?
Qua nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của người dân, chính quyền sở tại, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chức năng cần xem xét lại việc đặt TTP trên, chứ đừng để đến khi sự đã rồi, xảy ra biến cố lớn thì “có hối cũng không kịp”!
Ý kiến bạn đọc