(VnMedia) - Theo luật sư, với hành vi quay lén hàng chục nữ sinh đang tắm để tống tiền, đối tượng Dương Hồng Vũ đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản...
Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự công an TP Cần Thơ đã bàn giao Dương Hồ Vũ (SN 1997, ngụ huyện Châu Thành, An Giang) cho công an tỉnh Hậu Giang thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Ảnh minh họa |
Dương Hồ Vũ là sinh viên năm nhất theo học chuyên ngành kế toán của Trường ĐH Cần Thơ. Nam sinh này bị bắt vì đã quay khoảng 40 clip của 17 nữ sinh đang tắm để tống tiền.
Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: hành vi phạm tội của Dương Hồ Vũ đã phạm Tội cưỡng đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điều 135 Bộ luật hình sự 1999.
Theo luật sư Thơm: Điều 20 Hiến pháp 2013 qui định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng được được Nhà nước bảo vệ. Quyền sở hữu được qui định và bảo hộ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác như Bộ luật dân sự. Các hành vi xâm phạm đến quan hệ sở hữu đều có nghãi là xâm phạm đến các quy phạm pháp luật về chế độ sở hữu. Hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm đến các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt về tài sản.
Hành vi phạm tội của đối tượng Dương Hồ Vũ quay lén clip các nữ sinh đang tắm, rồi yêu cầu phải chuyển tiền từ 1,5 - 6 triệu đồng vào tài khoản cho Vũ, nếu không sẽ tung các đoạn clip “nóng” lên mạng. Hành vi này đã xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. khi các cơ quan tố tụng định tội danh cho bị can thì phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ án này phải là quyền sở hữu về tài sản.
Đối tượng đã dùng thủ đoạn dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần các nữ sinh nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nếu các nữ sinh không đáp ứng thỏa mãn yêu cầu thì sẽ tung các đoạn clip “nóng” lên mạng. Đây là điều các nữ sinh rất lo sợ sẽ bị ảnh hưởng đến đời tư, nhân phẩm, danh dự, uy tín…
"Như vậy, hành vi phạm tội của Dương Hồ Vũ đã phạm Tội cưỡng đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điều 135 Bộ luật hình sự 1999", luật sư Thơm khẳng định.
Luật sư Thơm phân tích: Về mặt khách thể của tội phạm: Xâm hại đến 02 khách thể Bộ luật hình sự bảo vệ đó là quyền nhân thân và quyền sở hữu tài sản
Về mặt khách quan của tội phạm: Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện bằng việc de dọa sẽ dùng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần đối với người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản
Trong vụ án này, đối tượng đã dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể đã de dọa tung các đoạn clip “nóng” lên mạng làm các nữ sinh lo sợ bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời tư, nhân phẩm, danh dự, uy tín,..
Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Đây là loại tội phạm có cấu thành hình thức. Do đó, hành vi đã chiếm đoạt được tài sản hay không thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội phạm này.
Tại cơ quan công an, Vũ khai nhận đã gửi tin nhắn cho 12 nạn nhân và mới có 1 người gửi cho Vũ 1,5 triệu đồng nhưng nam sinh này chỉ mới rút được 500.000 đồng để tiêu xài thì bị bắt cơ quan công an bắt. Số tiền còn lại mà đối tượng chưa nhận được từ các nữ sinh là hành vi phạm tội chưa đạt. Do đó, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tổng giá trị số tiền cưỡng đoạt yêu cầu các nữ sinh phải nộp.
Về mặt chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự; Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Ý kiến bạn đọc