Lạ lùng hầm đường bộ một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo

09:40, 11/05/2016
|

Những ngày qua, người dân ở thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên- Huế) và TP.Đà Nẵng hết sức bức xúc trước việc Công ty cổ phần Phước Tượng- Phú Gia BOT xây trạm thu phí đường bộ  (TTP), tại thị trấn (TT) Lăng Cô mà không liên quan gì đến hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế).

Việc mở trạm thu phí trên khiến không chỉ người dân kinh doanh tuyến vận tải Lăng Cô- Đà Nẵng bị ảnh hưởng mà còn tác động đến khoảng 80% hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tại thị trấn biển này.

Kinh doanh vận tải bức xúc

Những ngày đầu tháng 5-2016, sau khi nhận nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch dịch vụ, chúng tôi ra Lăng Cô để nắm tình hình. Khi vừa đi qua hầm đường bộ Hải Vân, ở khu vực trước đây đặt TTP hầm Hải Vân (cũ) nay mọc lên TTP của Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT để thu phí cho hai hầm Phước Tượng và Phú Gia vừa mới làm xong.

Tại công trình xây TTP, tiến độ xây dựng đang được khẩn trương, gấp rút tiến hành và đang dần hoàn thành một số hạng mục cơ bản. Trong khi đó thì tâm lí đông đảo người dân kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ thì lại lo lắng bởi “ngày buồn” đang cận kề.

Sự “ra đời” của TTP này khiến tình hình dịch vụ, du lịch ở thị trấn này càng thêm rối ren…

Anh Nguyễn Văn Hải (SN 1980, khối phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô) có chiếc xe 1,25 tấn chuyên cở hàng tạp hóa chạy tuyến Đà Nẵng và Lăng Cô. Một ngày anh Hải di chuyển qua lại giữa hai địa điểm này vài ba chuyến, nếu sắp tới thu phí thì một ngày mất vài trăm ngàn đồng, ảnh hưởng đến việc buôn bán của gia đình.

“Việc thu phí trong khi hai hầm nằm ở bên ngoài, không liên quan gì đến việc đi lại của chúng tôi thì hết sức phi lí”, anh Hải nói.

1
TTP của Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT tại Lăng Cô đang gấp rút hoàn thiện - Ảnh: Xuân Hoài

Ông Lương Chí Sỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Kéo, đơn vị chuyên cung cấp thức ăn nuôi tôm cá trên địa bàn Lăng Cô và các vùng phụ cận cũng bày tỏ bức xúc. Mỗi ngày xe ông Sỹ đi vào Đà Nẵng chở hàng nhiều chuyến rồi về Lăng Cô mà không hề đi qua hai hầm đường bộ trên. “Việc thu phí chi mà vô lý rứa khi chúng tôi không hề đi qua hầm. Cơ quan chức năng, Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT phải làm như thế nào cho hợp lý chứ?”

Anh Lê Trọng Lễ, lái xe taxi của hãng Taxi Thành Công cho rằng: “Cánh lái xe chúng tôi phần lớn chở tuyến Đà Nẵng- Lăng Cô và ngược lại. Nếu thu phí sẽ rất khó xử, nếu đi qua trạm thu phí, khách hàng nào không đưa tiền thì tài xế phải chịu. Mà tài xế taxi 2 ngày đi một chuyến, lời lãi được bao nhiêu mà nếu thu phí thì cuộc sống vốn bấp bênh càng điêu đứng hơn”.

Được biết, tại thị trấn Lăng Cô, hãng Thành Công hiện có 10 chiếc taxi, dự định sắp tới sẽ bổ sung thêm xe, không biết tình hình này rồi sẽ như thế nào.

 

1
Nhiều doanh nghiệp taxi chạy tuyến Đà Nẵng- Lăng Cô điêu đứng khi nghe TPP sắp đi vào hoạt động. - Ảnh: Xuân Hoài.

Ông Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Taxi Lăng Cô cho biết, hiện hãng có 12 xe taxi và hơn 10 xe chạy hợp đồng. “Đa số khách của chúng tôi, từ taxi cho đến hợp đồng đều đưa đón khách qua về Đà Nẵng. Việc chở khách, tiền qua TTP thì nhà xe, tài xế phải chịu chứ ít khi khách bỏ ra. Mà doanh nghiệp chúng tôi mỗi ngày đi bao nhiêu chuyến, thì doanh thu thiệt hại rất lớn. Chúng tôi đã làm đơn gửi công an thị trấn danh sách xe đề nghị cơ quan chức năng can thiệp với Cty Phước Tượng- Phú Gia BOT”, ông Tân cho hay.

Đến dịch vụ, du lịch lo sốt vó

Chủ một khu du lịch nổi tiếng ở Lăng Cô cho biết, hầu hết khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống ở đây đón khách từ Đà Nẵng. Nguồn sống, kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến việc đặt TTP trên.

“Đang xây dựng TTP mà người dân, doanh nghiệp nơi đây đã “nhảy đựng” lên rồi, bởi nó đụng đến cuộc sống, làm ăn kinh doanh hàng ngày của người dân, doanh nghiệp thì ai ngồi yên cho được”, anh này lí giải.

Vị giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ: “Với doanh nghiệp chúng tôi, khách nghỉ dưỡng chủ yếu từ Đà Nẵng ra, từ việc các đơn vị lữ hành đến cá nhân, họ ra đây nghỉ ngơi, tắm biển, có người, tour lưu trú qua đêm rồi vào lại Đà Nẵng thế thì có liên quan gì đến việc đi qua hai hầm trên mà phải trả tiền phí?. Làm như thế, những tài xế, người dẫn tour họ ái ngại không đưa khách ra nữa thì khác gì “chết” doanh nghiệp chúng tôi?”.

1
Cận cảnh trạm thu phí chuẩn bị hoàn thành. - Ảnh: Xuân Hoài

Bà Lương Thị Đức, chủ nhà hàng Sao Biển Bé Đen (thị trấn Lăng Cô) thẳng thắn: “Việc mọc TTP ở thị trấn Lăng Cô ngay sát hầm Hải Vân, chặn đầu TT Lăng Cô là hết sức vô lí. Riêng cá nhân nhà hàng tôi ảnh hưởng không nói mà hầu như mọi mặt đời sống, kinh doanh ở Lăng Cô và cả Đà Nẵng ảnh hưởng là điều đương nhiên, bởi khoảng 80% hoạt động kinh doanh ở Lăng Cô giao dịch với Đà Nẵng. Từ buôn bán làm ăn, cung cấp hàng hóa đến du lịch, dịch vụ. Không chỉ tiền thu phí mà nó tác động đến tâm lý người dân, khách đến Lăng Cô. Làm gì có lợi cho dân thì nên làm. Cũng biết doanh nghiệp đã đầu tư thì phải thu lãi nhưng phải hợp lí trong địa điểm đặt trạm”, bà Đức nói.

Ông Lương Chí Sỹ đề xuất: Việc đặt TTP ở đầu TT Lăng Cô (phía Đà Nẵng) thì những xe nào muốn vượt trạm họ đi qua đèo Hải Vân. Hoặc những xe cấm đi qua hầm Hải Vân họ cũng không hề mất phí khi đi qua hầm Phước Tượng- Phú Gia. Cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi đơn vị thu phí. Thế đặt TTP ở vị trí hiện tại, khác gì thu phí cho hầm Hải Vân chứ không phải thu phí cho hầm Phước Tượng và Phú Gia?.

“Theo tôi đặt TTP ngay tại đoạn đường qua hầm Phú Gia và đèo Phú Gia là hợp lý nhất. Vì con đường vòng phía cảng Chân Mây qua đèo Phú Gia là đường tỉnh lộ hiện chỉ cho xe ô tô con và xe mô tô, xe máy lưu thông, ô tô tải, ô tô khách và các loại xe ô tô trọng tải lớn. Các xe vượt trạm thì đã có CSGT và thanh tra Giao thông chốt chặt, xử lý. Việc đặt trạm ở đây thì không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, đến nền kinh tế của thị trấn Lăng Cô.

Và sau này, khi mở rộng hầm Hải Vân chắc sẽ có thu phí nữa, thì người dân, đơn vị kinh doanh đến Lăng Cô lại mất 2 lần phí thì làm sao chịu thấu?.


Ý kiến bạn đọc