(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang vừa ký ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Từ ngày 1/1/2016 tới đây, Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực. Cũng từ ngày này, 16 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân.
Theo đó, đối với chứng minh thư nhân dân được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (1/1/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân |
Các công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Theo quy định, mặt trước của thẻ căn cước công dân gồm các thông tin: ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ, dấu của cơ quan cấp thẻ.
Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, thay thế các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: số hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội... Đặc biệt, thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu. Bộ Công an cũng cho biết, thẻ căn cước công dân phải được đổi 3 lần, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Để cụ thể về việc cấp đổi thẻ Căn cước công dân, mới đây, Bộ công an vừa ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Thông tư gồm 3 Chương, 14 Điều quy định rõ về nguyên tắc, trình tự thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Trong đó có những Điều đáng chú ý sau:
Đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2 Chương I của Thông tư này gồm: 1. Cán bộ làm công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; 2. Công an các đơn vị, địa phương; 3. Tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Về thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định tại điều 12 Chương II của Thông tư này là:
Tại Công an huyện: Đối với thành phố, thị xã trong thời hạn 1,5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp, đổi thẻ Căn cước công dân và 05 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Đối với các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; Đối với các khu vực còn lại: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Tại Công an cấp tỉnh: Đối với dữ liệu điện tử do Công an cấp huyện chuyển lên thì ngay trong ngày đối với trường hợp cấp, đổi và 02 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại, kể từ khi tiếp nhận đủ dữ liệu điện tử; Đối với hồ sơ do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận thì trong 02 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.
Tại Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư: Đối với dữ liệu điện tử do Công an tỉnh chuyển lên thì trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với trường hợp cấp, đổi và 05 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại, kể từ khi nhận đủ dữ liệu điện tử; Đối với hồ sơ do Trung tâm căn cước công dân quốc gia tiếp nhận thì trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân phải được chuyển phát về đến nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/ 4/2016 và thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BCA ngày 13/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.
Ý kiến bạn đọc