Tại sao người dân đứng nhìn người mẹ bị cướp giữa Sài Gòn?

13:43, 17/03/2016
|

Một người mẹ bị cướp khi đang vội vã trên đường về thăm đứa con bệnh nặng. Và những người dân xung quanh chỉ biết trố mắt nhìn nạn nhân giằng co với hai tên cướp.

Đó là những gì tôi đã trực tiếp nghe và chứng kiến tại vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1, TP HCM) và trên đường chở nạn nhân bị cướp ra sân bay. Từ đó dấy lên một nỗi bất an thực sự!

Địa điểm xảy ra vụ cướp luôn luôn đông người bán nước, bảo vệ, tài xế taxi, xe ôm và người đi đường.
Địa điểm xảy ra vụ cướp luôn luôn đông người bán nước, bảo vệ, tài xế taxi, xe ôm và người đi đường.

Khoảng 16 giờ chiều 16-3, người dân đang lưu thông tấp nập ngay vòng xoay Điện Biên Phủ bỗng giật mình khi tiếng kêu cứu thất thanh: "Cướp! Cướp! Cướp! Cứu tôi với" của một người phụ nữ vang lên gần đó. Cuộc giằng co tiếp diễn, nhiều người dân ngồi cạnh đó nhưng chỉ đứng yên nhìn. Cuối cùng, tên cướp lấy được một phần sợi dây chuyền rồi lao lên xe đồng bọn chạy biến, để lại người phụ nữ sợ hãi khóc nức nở.

Nước mắt của người mẹ

Nạn nhân của vụ cướp trên là chị Nguyễn Thị Phương (quê ở Hà Nội). Chị Phương một tay ôm cổ đau đớn, một tay giữ chặt túi xách vừa khóc vừa ấm ức: "Tôi giằng co rồi la lớn, nhưng không ai tới giúp cả". Một cụ bà bán nước gần đó cúi mặt than thở: "Không ai giúp đâu! Không ai dám giúp đâu".

Hình ảnh ngay sau khi những tên cướp vừa rồ ga chạy đi: Người phụ nữ một tay ôm cổ đau đớn, một tay giữ chặt túi xách sợ hãi.
Hình ảnh ngay sau khi những tên cướp vừa rồ ga chạy đi: Người phụ nữ một tay ôm cổ đau đớn, một tay giữ chặt túi xách sợ hãi.
Quá sợ hãi, chị Phương khóc nức nở. Chưa kịp hoàn hồn, nạn nhân lại lủi thủi chạy lại chỗ tài xế taxi để bắt xe ra sân bay. Trước cái nhìn ngập ngừng của tài xế taxi, tôi vội gọi nạn nhân lên xe, cố giúp chị ra kịp chuyến bay và hỏi thêm thông tin.

"Tụi nó cướp trắng trợn quá! Lúc sau, chị khóc quá trời, vừa sợ vừa mừng! May mà giằng lại được túi xách, giữ được cái chứng minh nhân dân để còn lên máy bay" - Chị Phương xúc động chia sẻ.

Quãng thời gian lao xe ra sân bay cho kịp chuyến bay, chỉ đủ vài câu hỏi về hoàn cảnh của chị Phương. Chị quê ở Hà Nội, vào Nam làm thuê ở Chí Hòa (Đồng Nai). Chị cho biết đang trên đường ra sân bay về quê thăm con bệnh nặng thì bị cướp. Đôi bàn tay run bần bật, ôm chặt bình trà đầy là thức uống dọc đường và chiếc túi xách. Bên trong túi chỉ độc một bộ quần áo và vài trăm ngàn. Và quý giá nhất là chiếc chứng minh nhân dân - thứ chị phải có để lên máy bay về quê với đứa con đang nguy kịch.

Trước khi xuống xe để tiếp tục hành trình về quê, chị dúi vội vào tay tôi 50.000 đồng nhàu nát. Khi tôi quyết tâm trả lại, chị mới cúi đầu cảm ơn.

Sợ cướp trả thù


Những người dân địa phương cho biết cũng muốn giúp đỡ nạn nhân nhưng lại sợ bị trả thù.

Những người dân địa phương cho biết cũng muốn giúp đỡ nạn nhân nhưng lại sợ bị trả thù.

Những người dân địa phương cho biết khu vực này thường xuyên xảy ra cướp giật nhưng "Không ai dám giúp đâu! Có thấy trước mắt cũng không dám đâu!" vì sợ bị bọn cướp trả thù.

Quay trở lại vòng xoay Điện Biên Phủ để phỏng vấn những người chứng kiến. Những người dân địa phương nhận ngay ra tôi và hỏi han về tình hình của nạn nhân. Khi được đặt thẳng vấn đề: "Tại sao nhìn thấy người ta bị cướp mà không ai ra cứu hết vậy?". Bà cụ bán nước gần đó lắc đầu: "Không ai dám giúp giúp đâu! Có thấy trước mắt cũng không dám đâu! Thà bà con dòng họ thì còn giúp chứ người lạ.... Dân ở đây không dám giúp đâu. Mình làm ở đây lâu dài. Sợ tụi nó (những tên cướp - PV) thù oán rồi trả thù".

"Ở đây bị giật hoài. Giựt điện thoại này! Giật túi xách này! Có lần chị đi xe bus thấy người ta móc túi mà không dám la, sợ bị trả thù". Một người phụ nữ bán nước cho biết thêm. Khi người viết hỏi, gần đây có đồn dân phòng hay công an gì không? Chú lái xe ôm gần đó đáp phụ họa: "Có chứ! Nhưng mà lâu lắm....".

Ai sẽ là người xin lỗi?

Trước đó, hôm 11/3, trên đường Lương Hữu Khánh, chị Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (22 tuổi, quốc tịch Ai Cập, lưu trú phường Bến Thành, quận 1) đã khóc nức nở khi bị hai tên cướp giật túi xách có giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng và 200 USD tiền mặt. Ngày 16/3, sau khi nhận được yêu cầu của Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, công an Phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM), Sở Du lịch TP HCM đã xin lỗi nữ du khách này.

Nhưng từ ngày đó đến nay, ở TP HCM, nhiều vụ cướp vẫn tiếp diễn khiến nhiều người dân khốn đốn. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi đối với người dân?

 


Ý kiến bạn đọc