(VnMedia)- Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã xác định được lái tàu Trần Văn Giang chính là người trực tiếp điều khiển sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Một diễn biến khác liên quan đến vụ việc, để thông luồng giao thông trên sông Đồng Nai tàu có tải trọng dưới 400 tấn được qua cầu Ghềnh.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, tại cơ quan công an, lái tàu Trần Văn Giang đã khai nhận mình chính là người trực tiếp điều khiển sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Lái tàu này không có giấy phép lái tàu.
Theo khai nhận Giang và Nguyễn Văn Lẹ - một phụ lái tàu khác được chủ tàu Phan Thế Thượng giao cho lái tàu từ phà Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh do không có kinh nghiệm nên khi đến chân cầu Ghềnh gặp dòng nước xoáy, cả hai đều không điều khiển được sà lan theo ý muốn để chui qua gầm cầu nên đã tông vào chân cầu phía mép bên trái của sà lan. Theo hồ sơ đăng kiểm, tàu được kiểm định ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015.
Hiện trường vụ tai nạn. |
Như vậy, việc xác định được người điều khiển phương tiện chính vào thời điểm xảy ra tai nạn sẽ giúp cơ quan điều tra xác định được cụ thể hành vi phạm tội của lái tàu.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, được chủ giao lái tàu kéo sà lan chở 800 tấn cát, Trần Văn Giang (36 tuổi) không có bằng lái nên lúng túng xử lý lúc máy hỏng, khiến tàu đâm sập cầu Ghềnh. Như vậy, theo lý luận về tội phạm thì chỉ lái tàu Trần Văn Giang sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 212 Bộ Luật Hình sự.
Mặc dù cũng có mặt trên sà lan trong thời điểm xảy ra vụ việc nhưng Nguyễn Văn Lẹ sẽ không phạm tội đồng phạm giúp sức cho lái tàu Trần Văn Giang.
Theo phân tích của vị luật sư này, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là loại tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý. Do đó, người giúp sức cho lái tàu đẩy sà lan có lỗi thì cũng không thể xử lý về hành vi đồng phạm giúp sức với lái tàu về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện theo Điều 212 Bộ Luật Hình sự.
Theo Điều 20 Bộ Luật Hình sự quy đinh về đồng phạm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”, vì vậy, theo quan điểm của luật sư và trên cơ sở lý luận tội phạm về Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 212 Bộ Luật Hình sự thì chỉ có thể khởi tố người chính trực tiếp lái tàu đẩy sà lan đâm vào cầu Ghềnh là có căn cứ và đúng pháp luật.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi của chủ tàu Phan Thế Thượng đã cấu thành tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ và hình phạt được qui định tại điều 215 Bộ Luật Hình sự.
Một diễn biến khác liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh, sáng 23/3, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức thông luồng giao thông trên sông Đồng Nai để tàu thuyền lưu thông qua cầu Ghềnh.
Theo quy định, phương tiện tự hành có trọng tải 300 tấn phải lưu thông một chiều và từng chiếc một qua cầu. Phương tiện đoàn lai dắt có hai chiếc tải trọng đến 400 tấn phải lưu thông từng chiếc trong điều kiện ngược dòng nước. Thời gian lưu thông qua cầu bị sập được quy định từ 6h-18h hàng ngày.
Cụ thể, các loại phương tiện thủy được lưu thông cụ thể như sau:
- Phương tiện tự hành có trọng tải đến 300 tấn lưu thông từng chiếc, một chiều qua khoang thông thuyền.
- Phương tiện đoàn lai dắt có hai chiếc với trọng tải đến 400 tấn lưu thông từng chiếc, một chiều trong điều kiện hành trình ngược nước.
Thời gian lưu thông: từ 6g đến 18g. Giờ lưu thông hàng ngày có thể xem trên website: www.viwa.gov.vn hoặc www.viwasouth.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp qua điện thoại đường dây nóng số 01207216736 để biết thêm thông tin.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Sự việc xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/03/2016, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.
Cụ thể, vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1. Vụ tai nạn đã khiến xà lan bị lật úp trên sông. Thiệt hại về người và tài sản chưa được xác định. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
Ngay sau khi xẩy ra sự cố, lãnh đạo địa phương và các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Cũng ngay sau khi nhận được thông tin, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã đến hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý, khắc phục sự cố.
Ý kiến bạn đọc