(VnMedia) - Liên quan đến vụ công an phường đánh bạc ở Hải Dương, theo quan điểm của luật sư, ngành Công an có quy định riêng về quản lý và xử lý kỷ luật cán bộ. Tuy nhiên, khi xử lý thì không được trái với các quy định khác của pháp luật.
Ngày 16/2 trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 1 phút có nội dung "Trưởng công an Phường Trần Phú, TP. Hải Dương đánh bạc ăn tiền". Theo clip mô tả có 4 người đàn ông mặc quần áo dân sự ngồi đánh bạc ngang nhiên ngay tại trụ sở làm việc. Trong đó có người đàn ông mặc áo thu đông màu trắng, đi tất ngành Công an. Vừa đánh bài, những người này vừa bàn luận và liên tục có những lời nói tục tĩu.
Phía sau người đàn ông này là chiếc bàn làm việc trên có tấm biển đề dòng chữ ghi chức danh Trưởng Công an phường cùng họ tên là trung tá Phạm Thanh Giang.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo chí, Đại tá Phạm Văn Đạm - Trưởng Công an TP. Hải Dương xác nhận thông tin này và cho biết: "Sau khi nắm được thông tin clip liên quan đến Trưởng công an phường Trần Phú, bằng các nghiệp vụ, Công an TP Hải Dương đã xác định Trung tá Phạm Thanh Giang - Trưởng Công an phường Trần Phú là người trong clip”.
Đại tá Đặng Văn Đạm cho biết, theo tường trình của những người trong cuộc, đây là đánh bạc vui ngày xuân chứ không phải tổ chức để sát phạt ăn tiền. Đại tá Đạm nhấn mạnh: “Quan điểm của lãnh đạo Công an Thành phố là xử lý đúng người đúng việc, sai phạm đến đâu xử lý đến đó".
Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương khẳng định: “Trong quá trình xác minh, điều tra, cơ quan công an đã xác định được danh tính người quay và phát tán đoạn video clip lên mạng xã hội. Người này cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc vì vi phạm điều lệnh và quy định ngành”. Khi có kết quả điều tra và xác minh làm rõ, Công an tỉnh Hải Dương sẽ có quyết định xử lý kỷ luật nghiêm tùy theo tính chất mức độ vi phạm đối với những người có liên quan đến vụ việc nêu trên.
Liên quan đến vấn đề này, trao đối với VnMedia, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, ngành Công an có quy định riêng về quản lý và xử lý kỷ luật cán bộ.
Theo Luật Công an nhân dân, một trong những nhiệm vụ của công an nhân dân là "Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, loại trừ nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trong các lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, kinh tế, quốc phòng, đối ngoại, thông tin, xã hội, môi trường và các lợi ích khác của quốc gia; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".
Tuy nhiên, Điều 42 Luật này về xử lý vi phạm cũng quy định rõ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được sử dụng Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; nếu bị phạt tù thì đương nhiên bị tước Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở hoạt động của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân trong thi hành công vụ thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, khi xử lý thì không được trái với các quy định khác của pháp luật. Ví dụ khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì anh có quyền/nghĩa vụ trình báo, hay tố giác theo quy định chung.
Ý kiến bạn đọc