Tài xế ngủ gật gây tai nạn, xem xét bồi thường như thế nào?

09:49, 19/02/2016
|

(VnMedia)- Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi tài xế ngủ gật. Theo quy định của pháp luật, những nạn nhân trong các vụ tai nạn này sẽ được bồi thường ra sao?

Khoảng 7h00 ngày 23/1, tài xế điều khiển xe ô tô 4 chỗ hiệu Kia mang BKS: 56S - 2639, lưu thông trên đường Phan Văn Trị hướng từ đường Thống Nhất về đường Phạm Văn Đồng. Gần tới đường Nguyễn Oanh thuộc Q.Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh thì chiếc xe bất ngờ lao nhanh qua phía tay phải tông thẳng dòng người đang chạy xe gắn máy.

Chưa chịu dừng lại, xe “điên” tiếp tục kéo lê một xe gắn máy lên vỉa hè, sau đó tông thẳng vào biển hiệu của hàng linh kiên máy tính. Hiện trường gồm 6 xe gắn máy hư hại hoàn toàn, nằm trên ngổn ngang trên đường. Ít nhất hai nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện. Toàn bộ giao thông trên tuyến đường ùn ứ kéo dài.

Tài xế điều khiển xe ô tô (khoảng 35 tuổi) thừa nhận, do anh buồn ngủ nên khi đến gần giao lộ Nguyễn Oanh đã giật mình đạp phanh nhưng lại nhầm chân ga, dẫn đến vụ tai nạn nói trên.

Trước đó, vào khoảng 6h ngày 27/6/2015, trên đường tránh TP Vinh thuộc địa bàn xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng cũng vì lý do tài xế ngủ gật.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng do tài xế ngủ gật.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng do tài xế ngủ gật.

Vào thời điểm này, ôtô tải mang biển số Hải Dương chở hàng nông sản bất ngờ đâm đối đầu với xe container do Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi, ở Thừa Thiên - Huế) điều khiển.

Cú đâm mạnh khiến tài xế xe tải bị thương nặng, cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Đầu xe tải gần như nát bét, nổ lốp trước bên trái.

Tại hiện trường, vết máu còn dính loang lổ trên ghế xe lái xe tải, nhiều tấn nông sản đổ tràn ra đường. Hai chiếc xe nằm cách nhau khoảng 10m, mặt đường in hằn vết phanh dài.

Xe container hư hỏng từ đầu đến thân ở phía bên trái, nhiều phần của xe tải còn dính chặt vào thân container. Lốp trước bên trái của xe tải cũng vỡ tung. Nhiều tấn nông sản đỏ tràn ra đường. Trục xe biến dạng, hư hỏng.

Vụ tai nạn khiến quốc lộ 1A qua khu vực này bị tê liệt, ách tắc kéo dài 3km. Nhận tin báo, CSGT huyện Nghi Lộc có mặt để điều tiết, phân luồng giao thông, điều tra nguyên nhân. Đến 8h cùng ngày, hiện trường tai nạn mới được giải quyết xong.

Theo nhận định của CSGT, vụ tai nạn xảy ra do tài xế xe tải ngủ gật, chạy lấn đường.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian gần đây vì tài xế ngủ gật. Theo phân tích của luật sư, theo quy định của pháp luật, trong những tình huống tai nạn xảy ra vì tài xế ngủ gật, nạn nhân sẽ được xem xét bồi thường theo quy định tại Điều 533 Bộ luật Dân sự.

Theo đó, trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.

Cũng theo quy định của pháp luật, nếu hành vi ngủ gật của tài xế có dấu hiệu của tội phạm và bị khởi tố, xử lý về hình sự thì nạn nhân có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường trực tiếp đến cơ quan đang tiến hành giải quyết (công an, viện kiểm sát hoặc tòa án). Việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho nạn nhân có thể được tiến hành cùng lúc với việc giải quyết vụ án hình sự theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, việc thiệt hại trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại mục 1 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP như sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Theo phân tích của luật sư, khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.


Ý kiến bạn đọc