Người cho nữ tử tù tinh trùng sẽ bị xử phạt

07:18, 18/02/2016
|

(VnMedia)- Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mua bán tinh trùng dưới mọi hình thức, do đó, nếu xác định chính xác người cho tinh trùng vào túi nilon đưa cho phạm nhân Nguyễn Thị Huệ bơm vào tử cung dẫn đến có thai sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ quản giáo của trại tạm giam Công an tỉnh để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) mang thai trong thời gian tạm giam chờ thi hành án tử hình.

Theo đó, Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình theo Bản án số 315 ngày 19/6/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Ngày 6/1/2016, qua công tác quản lý giam giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tử tù có biểu hiện khác thường. Qua kiểm tra y tế xác định, Nguyễn Thị Huệ có thai khoảng 4 đến 5 tháng tuổi.

sdas
Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ.

Quá trình xác minh, cơ quan công an làm rõ, trong thời gian chờ thi hành án, Huệ tìm cách làm quen với phạm nhân nấu bếp Nguyễn Tuấn Hưng (27 tuổi, quê Quảng Ninh), đặt vấn đề trả công Hưng 50 triệu đồng nếu anh ta giúp cô ta mang thai.

Tháng 8/2015, Hưng 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon rồi tìm cách đưa vào hành lang nhà giam nơi Huệ bị giam giữ. Lợi dụng lúc được tháo cùm ra ngoài vệ sinh, nữ tử tù đã lấy tinh trùng bơm vào tử cung.

Chia sẻ với VnMedia, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng cần phân tích sự việc dưới ba góc độ.

Đầu tiên là việc giam giữ đối với người bị kết án tử hình

Ngày 04/7/2012, Bộ Công An đã ban hành Thông tư số 39/2012/TT-BCA quy định việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình như sau:

Điều 4. Tiếp nhận, quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong buồng giam

1. Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.

2. Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách). Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

3. Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình đều được thực hiện trong buồng giam. Trường hợp người bị kết án tử hình tuyệt thực, trại tạm giam phải lập biên bản, làm rõ nguyên nhân, lý do tuyệt thực và thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng để phối hợp giải quyết…..

Như vậy, việc quản lý giam giữ người bị kết án tử hình là rất nghiêm ngặt. Mọi sinh hoạt đều được thực hiện ngay trong phòng giam. Do đó để xảy ra sự việc cho nữ tử tù này đi vệ sinh buổi sáng ra khỏi buồng giam phải điều tra làm rõ.

Theo lời khai của nữ tử tù, thị và phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng đã gặp nhau và thỏa thuận mua bán tinh trùng với giá 50 triệu đồng. Sau đó, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi ni nông, kèm theo bơm kim tiêm và để vào nơi Huệ sắp đặt trước nhằm lấy số tiền kể trên.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, vấn đề đặt ra, cần phải làm rõ số tiền 50 triệu đó đã được đưa vào cho Huệ cầm chưa. Nếu có thì ai là người đã chuyển tiền…

Để biết chính xác về tác giả cái thai trong bụng phạm nhân Nguyễn Thị Huệ, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng cần giám định AND để xác định người đã giúp nữ tử tù mang thai.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, từ diễn biến vụ việc, đã có nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc tinh trùng để trong túi nilon của phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng có thể giúp Huệ mang thai thoát án tử hình.

"Cơ quan điều tra có thể giám định bào thai ngay thời điểm hiện tại để xác định chính xác cha thai nhi. Thông thường việc giám định ADN xác định cha thường được thực hiện sau khi người mẹ sinh con. Trong vụ án này, nếu cơ quan điều tra cần thiết có thể buộc Nguyễn Thị Huệ xét nghiệm ADN thai nhi trước khi sinh để làm căn cứ làm rõ bản chất vụ việc và xử lý theo qui định của pháp luật", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Pháp luật nghiêm cấm mua bán tinh trùng dưới mọi hình thức

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác phải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại.

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28/5/2003 của Bộ y tế hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 của Chính phủ về sinh con bằng phương pháp khoa học thì pháp luật nghiêm cấm hành vi kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi.

Hành vi mua bán tinh trùng mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Do đó, việc phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng có hành vi bán tinh trùng của mình cho nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ là vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị xử lý hành chính theo quy định trên.

Hoãn thi hành án tử hình đối với nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ

Điều 35 Bộ luật hình sự qui định Tử hình:

“Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.

Điều 58 Luật thi hành án hình sự qui định Hoãn thi hành án tử hình

“Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp Người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự;

Trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”

Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự qui định Thi hành hình phạt tử hình

“Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án”.

Đối chiếu với qui định về điều kiện thi hành án tử hình thì trong vụ án này, kể cả trường hợp sau này trong quá trình mang thai hoặc khi sinh con ra mà thai nhi bị chết thì Nguyễn Thị Huệ vẫn được ân giảm từ án tử hình chuyển thành tù chung thân. Qui định này thể hiện sự nhân đạo của pháp luật XHCN đối với phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Trách nhiệm của các cán bộ quản lý giam giữ

Bên cạnh đó, trong vụ việc này, để xảy ra việc nữ tử tù mang thai trong thời gian giam giữ chờ thi hành án tử hình thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cán bộ trực tiếp trông coi. Tùy theo mức độ hành vi vi phạm, cán bộ quản giáo có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật, đình chỉ công tác hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp do chủ quan, thiếu sót và chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý phạm nhân để cho nữ phạm nhân mang thai thì có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 285 Bộ Luật Hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Nếu có căn cứ xác định cán bộ quản lý cố ý để giúp cho nữ phạm nhân có thai thì sẽ có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 


Ý kiến bạn đọc