Góc nhìn: Cách chức... đế vương!

16:12, 22/02/2016
|

(VnMedia) - Nhìn dòng người tranh cướp ấn đền Trần, tôi cứ giả dụ các cụ vua Trần của tôi linh thiêng, tất cả những người đi tranh ấn, cướp ấn đều được thăng quan tiến chức thì sao nhỉ?

Đền Trần (Nam Định) lại trở lên hỗn loạn, tình trạng giẫm đạp, chen lấn nhau lại diễn ra ngay sau giờ khai Ấn. Người ta vẫn không thể lý giải được vì sao tình trạng này lại diễn ra và cũng không chỉ xảy ra tại lễ hội này.

VnMedia giới thiệu với bạn đọc một bài viết của một phóng viên chuyên về văn hóa, một góc nhìn khá lạ về hiện tượng chen lấn tại Đền Trần.

"Mỗi năm đền Trần ở Thành Nam thu hút hàng trăm nghìn lượt người. Hàng chục nghìn người giẫm đạp lên nhau để mong giành được tấm vải có in hình chiếc ấn một cách sớm nhất.

Chẳng biết từ xưa hay từ nay, người ta tin rằng, xin ấn đề Trần giúp người ta "cầu quan" mau chóng.

Nhìn dòng người tranh cướp ấn đền Trần, tôi cứ giả dụ các cụ vua Trần của tôi linh thiêng, tất cả những người đi tranh ấn, cướp ấn đều được thăng quan tiến chức thì sao nhỉ?

Ừ. Có một điều chắc chắn. Lúc đó ta lại tốn công xem lại đạo đức của đội ngũ quan lại vừa được thăng, khi chức tước họ được lên chức nhờ vào kỹ năng... cướp ấn!!!

Lại bỗng nhiên đặt câu hỏi, các cụ vua Trần đã sang bên kia thế giới đã sáu bảy trăm năm, liệu có còn "quyền lực" đến hôm nay để tác động vào cái "chiếu bổ quan" hay không?

Nếu có, e là lại phải trả lời thêm những câu hỏi khác? Các vị vẫn chưa kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình sau sáu, bảy thế kỷ hay sao? Và vị vua nào của triều đại nào sau khi băng hà cũng có năng lực giúp người thăng quan tiến chức thì ắt thiên hạ sẽ... đại loạn.

Số "quan" chẳng mấy mà vượt xa số dân.

Nhiều câu hỏi đặt ra quá. Trong khi năng lực hạn chế tôi không trả lời nổi. Viết bài mấy dòng này ngõ hầu mong có cao nhân chỉ giúp.

Nhưng có một điều chắc chắn. Tôi tin vào tài trị quốc của nhiều vị vua nhà Trần. Thái Tông Trần Cảnh hay Thánh Tông Trần Hoảng, cho đến vị Hoàng đế khoác áo cà sa Trần Nhân Tông đều là những bậc kinh bang tế thế. Hơn ai hết, các ngài hiểu đời, hiểu người, hiểu phép trị quốc. Hoàng đế Trần Nhân Tông còn có cái nhìn vượt thời đại, khi từ bỏ quyền lực đến với nhà Phật, vừa là một nhà tu hành, vừa là một chính trị gia, như một cách hàn gắn những đau thương sau ba cuộc chiến tranh với bao nhiêu mất mát.

Mô tả ảnh.
Tình trạng càng trở nên hỗn loạn hơn khi lực lượng chức năng mở cửa cho người dân bên ngoài vào trong (Ảnh: Dân trí)

Nếu có linh thiêng, nếu còn có ảnh hưởng đến ngày nay, thì chắc rằng các ngài sẽ có cách để những người đủ tài đức được ngồi vào vị trí xứng đáng, góp phần xây dựng đất nước, nối tiếp truyền thống của dân tộc, của văn minh Đại Việt mà chính các ngài góp phần gây dựng. Và nếu linh thiêng, các vị vua đã băng hà ấy, cũng sẽ đề cao "đại nghiệp", cũng sẽ vẫn phù hộ, nếu chẳng may những con người xứng đáng bận bịu công việc mà không có thì giờ đến tranh cướp ấn ở đền Trần.

Nhưng cũng có một điều chắc chắn. Triều đại nhà Trần cũng có những vị vua tham lam u tối. Trần Nghệ Tông khi ở ngôi Thái Thượng hoàng, bị Chiêm Thành tấn công, chỉ lo mỗi việc đi chôn giấu của cải để tránh bị Chiêm Thành cướp bóc. Đại Việt suy yếu toàn diện. Mấy lần Chiêm Thành vào Thăng Long. Chính sự nhiễu nhương. Dân đen khốn đốn.

Thế nên mới có "mạt Trần", để rồi nhà Hồ lên thay thế như một tất yếu cần thiết của lịch sử, khi mà rường cột của ngôi nhà đã mối mục gần như toàn phần.

Khi còn sống, các vị vua như Trần Nghệ Tông nổi tiếng u tối; Trần Phế Đế, Trần Thiếu Đế bạc nhược không lo nổi thân mình. Khi không còn tại thế, nếu có "thiêng", có phù hộ người đi xin ấn làm quan, thì ai dám chắc, các vị vua này sẽ phù hộ đúng người, đúng việc? Ta sẽ chờ mong gì ở những đối tượng mà những vị vua này "phù hộ"? Ai tin vào tài "bổ dụng" của những vị vua này thì xin cho được lĩnh giáo.

***

Lịch sử đã chỉ ra rất rõ ràng ranh giới giữa những vị minh quân và hôn quân bạo chúa cũng chính là ở phép dùng người. Dù cho anh có chân mệnh đế vương, nhưng ban phát chức tước bừa bãi cũng là cách đẩy triều đại của anh đến chỗ diệt vong nhanh nhất.

Với cách nhìn của kẻ ít học này, nếu đế vương phong quan, phong chức (hoặc phù hộ để thăng quan, tiến chức) không đúng người, đúng việc, nếu không thể can gián, thì cũng cần phải có biện pháp để... cách chức. Âu cũng hợp lòng người, mệnh giời (nếu có). Vì vận mệnh của một dân tộc, dù sao cũng quan trọng hơn một cá nhân, dù đó là cá nhân nào".


Ý kiến bạn đọc