Chống tội phạm trong tình hình mới

07:49, 13/02/2016
|

(VnMedia)- Từ ngày 1/7/2016 Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực thi hành. Bộ Luật Hình sự năm 2015 tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới, BLHS đã phi tội phạm hóa đối với 06 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Đó là các tội: tảo hôn; kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; đồng thời, ngoài 16 tội danh về kinh tế, môi trường mới được bổ sung như đã nêu trên, BLHS còn bổ sung 18 tội danh mới thuộc 07 nhóm tội phạm khác, đặc biệt là nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đang có chiều hướng gia tăng.

Chống tội phạm trong tình hình mới
Ảnh minh họa.

Thứ hai, BLHS sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI) theo hướng bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu; đồng thời, cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với các tội phạm thuộc nhóm này, nhất là cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 02 triệu đồng nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo (khoản 1 Điều 173).

Thứ ba, BLHS đã bổ sung một chương riêng (chương IV) với 07 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 04 trường hợp như Bộ luật hiện hành (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (các điều 24, 25, 26) nhằm tạo hành lanh pháp lý an toàn để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung.

Thứ tư, BLHS năm 2015 có những nội dung sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thể hiện ở hai điểm cơ bản: một là, BLHS (Điều 28) đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 và khoản 4 của các điều 353, 354 BLHS) nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hai là, BLHS đã mở rộng phạm vi một số tội tham nhũng cũng như một số tội thuộc Chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài Nhà nước), theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của BLHS. Ngoài ra, người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thì cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 364, 365 của BLHS. Quy định này nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, cũng để thực thi Công ước về chống tham nhũng mà nước ta là thành viên.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định trước đây (như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm), còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (Điều 14). Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung cơ bản cấu thành của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Điều 150 và Điều 151).

Thứ ba, bổ sung tội bắt cóc con tin (Điều 301) và tội cướp biển (Điều 302) trên tinh thần các quy định của Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Thứ tư, bổ sung tội cưỡng bức lao động (Điều 297) trên tinh thần Công ước số 29 của ILO về lao động cưỡng bức (năm 1930).

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền (Điều 324).

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung các tội: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; dùng nhục hình và bức cung (các điều 157, 373, 374) trên tinh thần Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.


Ý kiến bạn đọc