(VnMedia)- Theo báo cáo của Ban Nội chính trung ương, trong 3 năm tái thành lập Ban Nội chính, Ban này đã kiến nghị đưa 233 vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc vào diện 03 cấp độ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc..
Theo báo cáo của Ban Nội chính trung ương, trong 3 năm tái thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt vai trò là Cơ quan tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc phát hiện, xử lý đối với các vụ án tham nhũng.
|
Ảnh minh họa. |
Đầu tiên phải nhắc đến là việc Ban Nội chính đã thực hiện tốt việc tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính đã tham mưu trong việc đề ra chủ trương, đường lối xử lý và hình thành cơ chế xử lý đối với các vụ án, vụ việc cụ thể thuộc cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ án, vụ việc tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp tồn đọng kéo dài, có khó khăn, vướng mắc hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong 03 năm đã đề xuất, kiến nghị đưa 233 vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc vào diện 03 cấp độ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc; Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo về tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp tháo gỡ trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án thuộc 03 cấp độ; Tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chủ trì 16 cuộc họp liên ngành để nghe báo cáo và chỉ đạo đường lối xử lý đối với các vụ án, vụ việc thuộc cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Chủ trì, chuẩn bị nội dung, tổ chức, tham dự các cuộc họp liên ngành để tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo, xử lý và nhiều vụ việc, vụ án khác; Xây dựng, triển khai kế hoạch xác minh, đề xuất giải quyết đối với một số vụ việc, vụ án theo đơn tố cáo; Từ đó, tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử được nhanh hơn, nghiêm minh hơn; có tác động tích cực đến công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của nhiều địa phương; Trực tiếp tham dự, theo dõi phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để thường xuyên báo cáo diễn biến phiên tòa, kịp thời tham mưu giải quyết khi cần;
Trong 3 năm qua, Ban Nội chính đã tham mưu giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm nhiều vụ án phức tạp, kéo dài, như: Vụ Lý Quốc Nghiệp ở tỉnh Trà Vinh “Lạm dụng tín nhiệm” xảy ra từ năm 2005 theo đề nghị của Tỉnh ủy Trà Vinh; vụ Nguyễn Mười ở tỉnh Quảng Nam “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” (1.573 cổ vật) xảy ra từ năm 2003 theo đề nghị của Tỉnh ủy Quảng Nam;
Để công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng đạt hiệu quả Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Bí thư ban hành các quy chế phối hợp trong công tác nội chính và PCTN giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao. Các cơ quan tham gia phối hợp đã nghiêm túc quán triệt và bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp.
Những vụ án tham nhũng nổi cộm trong 3 năm qua
Trong năm 2015, tập trung điều tra và đưa ra truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trước Đại hội XII của Đảng: trong đó, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 06 vụ án, gồm: vụ án xảy ra tại Công ty chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng; vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh 7 TP.Hồ Chí Minh; vụ án xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); vụ án xảy ra tại Công ty dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Agribank Chi nhánh 6 TP.Hồ Chí Minh; vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II); vụ án xảy ra tại ALC II, Công ty công nghệ biển Hải Phòng và Công ty TNHH vận tải biển Đại Phát; đang xét xử 01 vụ (vụ án xảy ra tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội); còn 01 vụ đã có lịch xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 12/2015 (vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp); ngoài ra đã kết thúc điều tra và đang xây dựng Cáo trạng đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý được đẩy nhanh tiến độ điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật: Từ 19 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan điều tra và Hội đồng xét xử sơ thẩm đã khởi tố thành 31 vụ/329 bị can; đến nay đã được xét xử sơ thẩm 14 vụ/149 bị cáo, tuyên phạt 07 bị cáo với 08 án tử hình (01 bị cáo có 02 án tử hình trong 02 vụ án), 13 bị cáo với 14 án chung thân (01 bị cáo có 02 án chung thân trong 02 vụ án), 01 bị cáo tù có thời hạn 30 năm tù, 133 bị cáo tù có thời hạn từ 02 đến 25 năm, 02 bị cáo được hưởng án treo. Đối với 29 vụ án, 05 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 25 vụ/119 bị can, đã xét xử sơ thẩm 17 vụ/119 bị cáo, tuyên 02 bị cáo tù có thời hạn từ 20 đến 30 năm; 67 bị cáo tù có thời hạn từ 02 năm đến dưới 20 năm.
Ý kiến bạn đọc